AMM-56: Cần duy trì Đông Nam Á là khu vực không có vũ khí hạt nhân
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan, ngày 11/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh rằng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân hiện “cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử gần đây.”
Phát biểu khai mạc Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), người đứng đầu ngành ngoại giao nước giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2023 nêu rõ: “Chúng ta tiếp tục nghe cảnh báo về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân và sức mạnh hạt nhân vẫn là một phần trong học thuyết quân sự của một số nước, kể cả các nước trong khu vực.
Chúng ta hoàn toàn biết rõ không thể thực sự an toàn với việc vũ khí hạt nhân hiện diện trong khu vực của mình. Với vũ khí hạt nhân, bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng sẽ đẩy chúng ta đến ngày tận thế và thảm họa toàn cầu.”
Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh rằng việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực là ưu tiên hàng đầu của ASEAN và là nền tảng để biến khu vực thành tâm điểm tăng trưởng. Do đó, các nước ASEAN cần duy trì Đông Nam Á là một khu vực không có vũ khí hạt nhân.
Bà đánh giá SEANWFZ đã đóng góp cho nỗ lực này, cũng như cơ chế giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Indonesia cũng nhắc lại rằng 25 năm sau khi Nghị định thư SEANWFZ ra đời, hiện chưa có quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (NWS) nào ký kết văn kiện này.
Ngoại trưởng Retno khẳng định “tiến về phía trước là lựa chọn duy nhất.” Trước mối đe dọa hiển hiện, ASEAN cần tạo ra một mặt trận thống nhất nhằm “định hướng một con đường rõ ràng hơn” cho một khu vực không có vũ khí hạt nhân./.