An Giang: Xử lý công trình xây dựng trái phép trong Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên - thiếu trách nhiệm hay cố tình bao che?
“Quả bóng” trách nhiệm liên tục được UBND huyện Tịnh Biên và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang “đá đi đá lại” bằng hàng loạt những báo cáo, công văn chỉ đạo, công văn xin ý kiến nên các sai phạm vẫn cứ ngang nhiên tồn tại như thách thức sự nghiêm minh của pháp luật.
Mới đây nhất, ngày 17/3/2023, Văn phòng UBND tỉnh An Giang có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư giao Ban Quản lý khu kinh tế An Giang chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tịnh Biên và các sở, ngành có liên quan tiến hành rà soát để thống nhất báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, Ban Quản lý khu kinh tế An Giang đã phối hợp với UBND huyện Tịnh Biên và các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát thực tế. Kết quả khảo sát cho thấy Công ty TNHH Đầu tư Đông Dương (Công ty Đông Dương) đã lấn chiếm chiều dọc theo kênh Vĩnh Tế là 177,8m, trong đó xây dựng công trình trên diện tích 147,4m2 (vị trí khu đất này được quy hoạch là đất cây xanh cách ly thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên). Đồng thời, Công ty Đông Dương còn xây dựng 10 băng tải (cho ông Lê Văn Ghi thuê lại 4 băng tải); 3 công trình vật kiến trúc bằng khung thép tiền chế, lợp mái tôn. Cơ sở kinh doanh của ông Lê Văn Ghi xây dựng 4 băng tải chuyển lúa và 1 nhà tạm, lấn chiếm 56,8m2 đất.
Hộ ông Nguyễn Văn Túc bao chiếm đất công thuộc khu đất được quy hoạch là bãi tập kết và trung chuyển hàng hóa. Ông Túc đã xây dựng 5 băng chuyền kết cấu thép, chạy bằng điện; 1 trạm cân kết cấu thép, chạy bằng điện; 7 nhà tạm; 1 nhà vệ sinh khung tiền chế, mái tôn, vách tôn; 5 trụ điện bê tông và 1 hệ thống biến áp với tổng diện tích xây dựng là 487m2.
Trước đó, ngày 13/01/2023, UBND huyện Tịnh Biên ra Quyết định số 142/QĐ-XPHC xử phạt Công ty Đông Dương số tiền 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng); Quyết định số 141/QĐ-XPHC xử phạt ông Lê Văn Ghi số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) và Quyết định số 140/QĐ-XPHC xử phạt ông Nguyễn Văn Túc số tiền 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng). UBND huyện Tịnh Biên còn buộc các cá nhân, tổ chức trên phải tự tháo dỡ toàn bộ vật kiến trúc xây dựng trên phần đất chiếm.
Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 3/2023, các cá nhân, tổ chức vi phạm đều không chấp hành nghiêm quyết định xử phạt của UBND huyện Tịnh Biên. Trong đó, Công ty Đông Dương mới thực hiện nộp phạt theo quyết định xử phạt của UBND huyện Tịnh Biên và tháo dỡ 2 căn nhà khung thép tiền chế, lợp mái tôn. Hàng loạt công trình vi phạm vẫn tồn tại như 1 căn nhà tạm lợp tôn nằm trên vị trí vỉa hè đường số 5, phía bờ kênh Vĩnh Tế; 1 nhà chứa máy phát điện và 6 băng tải.
Cũng như Công ty Đông Dương, cơ sở kinh doanh của ông Lê Văn Ghi mới chỉ thực hiện nộp phạt và tháo dỡ 1 căn nhà tạm. Các băng tải xây dựng trái phép nằm trên vị trí đất cây xanh cách ly vẫn tồn tại và tiếp tục hoạt động bình thường.
Còn hộ ông Nguyễn Văn Túc cũng mới chỉ tháo dỡ 2 căn nhà tạm. Các công trình còn lại gồm 5 băng tải, 1 trạm cân, 4 nhà tạm, 3 trại kết cấu cột gỗ, lợp mái lá, nhà vệ sinh, các trụ điện, trạm biến áp vẫn tiếp tục hoạt động.
Như vậy, những sai phạm của các cá nhân, tổ chức đã được UBND huyện Tịnh Biên chỉ ra một cách rất rõ ràng. Các hành vi sai phạm diễn ra trong phần đất thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý khu kinh tế An Giang. Nhưng không hiểu vì sao, những sai phạm này lại không được đơn vị quản lý trực tiếp phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả ngoài quyết định xử phạt vi phạm hành chính không nhiều tác dụng răn đe của UBND huyện Tịnh Biên.
Hiện tại, các cá nhân, tổ chức sai phạm đề nghị UBND tỉnh An Giang cho các công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công trong Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên tồn tại để tạm thời hoạt động trung chuyển hàng hóa giữa đường thủy, đường bộ phục vụ cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước Việt Nam và Campuchia trong khi chưa có bến thủy nội địa chính thức; cam kết khi nào nhà nước đầu tư bến thủy nội địa thì các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẽ tự tháo dỡ các công trình vi phạm và không yêu cầu nhà nước phải bồi thường, hỗ trợ; tham gia đấu thầu hoặc đấu giá để tiếp tục khai thác trung chuyển hàng hoá tại vị trí bến thủy nội địa thuộc khu kinh tế cửa khẩu.
Đề xuất nêu trên của các cá nhân, tổ chức vi phạm là không thể chấp nhận được. Lấn chiếm đất công, xây dựng công trình không phép là hành vi vi phạm pháp luật cần phải bị xử lý nghiêm. Nếu không xử lý nghiêm, UBND huyện Tịnh Biên, Ban Quản lý khu kinh tế An Giang sẽ tạo tiền lệ xấu cho các tổ chức, cá nhân khác lấn chiếm đất công, xây dựng công trình phá vỡ quy hoạch, thách thức sự nghiêm minh của pháp luật.
Sai phạm trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải bị xử lý để bảo đảm tính nghiêm minh, sự công bằng trong thực thi pháp luật. Không thể vì bất cứ lý do gì để bao che cho các sai phạm. Việc không cương quyết trong xử lý các sai phạm trong Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên khiến dư luận đặt câu hỏi: Ban Quản lý khu kinh tế Tịnh Biên thiếu trách nhiệm hay cố tình bao che?