1. Trang chủ /
  2. "Đáng lo ngại khi học sinh sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, loạn thần"

"Đáng lo ngại khi học sinh sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, loạn thần"

thứ ba, 11/4/2023 12:05 GMT+07
Theo Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội, trước tình trạng các loại ma túy núp bóng đang ngày càng xuất hiện nhiều, nhà trường và các bậc phụ huynh cần nâng cao cảnh giác; đồng thời dựng rào chắn "phòng vệ" từ xa.
Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội.
Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội.

Hậu quả khôn lường từ "ma túy núp bóng"

Phóng viên: Xin Thượng tá đánh giá về thực trạng và phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm ma túy mới hiện nay?

Thượng tá Phạm Quỳnh: Hiện nay, trên thị trường, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp có mẫu mã, hình thức, thành phần chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần mới. Ma túy thậm chí được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt, thực chất đó là ma túy pha trộn với thực phẩm và đồ uống.

Ma túy dưới dạng cà-phê. (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp)

Phóng viên: Mục đích của việc trộn ma túy vào các loại đồ ăn, thức uống là gì, thưa Thượng tá?

Thượng tá Phạm Quỳnh: Từ thực tiễn công tác nắm tình hình, đấu tranh tội phạm ma túy, cũng như qua các vụ bắt giữ, cho thấy các đối tượng thường pha trộn ma túy trong thực phẩm chủ yếu để thuận lợi trong giao dịch, mua bán, vận chuyển nhằm hạn chế sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng cũng như là đáp ứng nhu cầu của khách hàng là có thể mang ma túy về cất giấu trong nhà mà người thân trong gia đình không phát hiện được.

Thượng tá Phạm Quỳnh: Đối với các loại thực phẩm chứa ma túy được các đối tượng sản xuất với hình thức, màu sắc, mùi vị không khác gì thực phẩm thông thường. Do đó, nếu chỉ thông qua cảm quan như nhìn, ngửi hoặc chạm vào thì không phân biệt được, chỉ có thể xác định thực phẩm có chứa chất ma túy hay không thông qua công tác giám định hàm lượng chất ma túy trong thực phẩm hoặc thông qua các biểu hiện bất thường về tâm sinh lý của người sử dụng.

Phóng viên: Việc sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất ma túy gây ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe, thưa Thượng tá?

Thượng tá Phạm Quỳnh: Mỗi một loại ma túy có tác động khác nhau đến tâm, sinh lý của người sử dụng. Việc sử dụng thực phẩm chứa chất ma túy cũng gây hại lên cơ thể người sử dụng tương tự như sử dụng ma túy trực tiếp và quan trọng là nó sẽ gây ra tình trạng “nghiện” ở người sử dụng, tức là lệ thuộc hoàn toàn vào chất ma túy, sử dụng một thời gian sẽ dẫn đến tình trạng “rối loạn thần kinh” thậm chí có thể gây nguy cơ tử vong nếu sử dụng quá mức độ chịu đựng của cơ thể (hay còn gọi là “sốc ma túy”)

Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội.

Vì vậy, có thể khẳng định, việc sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất ma túy có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng như sau:

Làm suy giảm chức năng thải độc: Trong cơ thể gan, thận là cơ quan chủ yếu đào thải các chất độc. Khi đưa ma túy vào cơ thể làm cho hai cơ quan này suy yếu ảnh hưởng đến chức năng thải độc làm các chất độc tích lại trong cơ thể, càng làm cho gan, thận và toàn cơ thể suy yếu. Do đó, người nghiện, người sử dụng ma túy hay bị các bệnh như: áp-xe gan, viêm gan, suy gan, suy thận … dẫn đến tử vong.

Đối với hệ thần kinh: Khi đưa ma túy vào cơ thể, ma túy sẽ tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, gây nên tình trạng kích thích hoặc ức chế từng phần ở bán cầu đại não. Người nghiện nặng có biểu hiện rối loạn phản xạ thần kinh, đau đầu, chóng mặt, trí nhớ giảm sút, viêm dây thần kinh, rối loạn cảm giác, run chân, tay, chậm chạp, u sầu, ngại vận động, dễ bị kích động dẫn tới tội ác, nếu dùng liều cao có thể bị ngộ độc cấp, biểu hiện rối loạn tâm thần nặng, hôn mê.

Nghiện ma túy còn dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma túy mãn tính, suy nhược toàn thân, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm ngủ ngày, sức khỏe giảm sút rõ rệt. Người nghiện ma túy bị suy giảm sức lao động, giảm hoặc mất khả năng lao động và khả năng tập trung trí óc. Trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể bị chết đột ngột.

Gây tổn hại về tinh thần: Các công trình nghiên cứu về người nghiện ma túy khẳng định rằng nghiện ma túy gây ra một loại bệnh tâm thần đặc biệt. Người nghiện ma túy thường có hội chứng quên, hội chứng loạn thần kinh sớm (ảo giác, hoang tưởng, kích động …) và hội chứng loạn thần kinh muộn (các rối loạn về nhận thức, cảm xúc, về tâm tính, các biến đổi về nhân cách đặc trưng cho người nghiện ma túy).

Ở trạng thái loạn thần kinh sớm, người nghiện ma túy có thể có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và người chung quanh.

Ở trạng thái loạn thần kinh muộn, người nghiện ma túy bị méo mó về nhân cách tạo nên sự ích kỷ, sự đòi hỏi hưởng thụ, mất dần tính cách, trách nhiệm của các nhân trong đời sống. Họ dần trở thành những con người liều lĩnh và tàn nhẫn.

Cần dựng rào chắn phòng vệ từ nhà trường và gia đình

Phóng viên: Đối với xã hội, việc sử dụng các loại thực phẩm có chứa ma túy cũng như việc sử dụng ma túy sẽ gây ra một số hệ lụy như thế nào, thưa Thượng tá?

Thượng tá Phạm Quỳnh: Do ảnh hưởng các chất ma túy mà người sử dụng không làm chủ được hành vi của mình dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Khi đã lệ thuộc ma túy, nhu cầu về tiền bạc đối với người nghiện rất lớn. Trong khi đó khả năng về tài chính của bản thân họ và gia đình không thể đáp ứng, lúc đó họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền mua ma túy thỏa mãn cơn nghiện, kể cả giết người, cướp của...

Điều này được chứng minh qua tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta thời gian qua cho thấy: số đối tượng nghiện ma túy phạm tội trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt... chiếm tỷ lệ khá cao.

Trong những đối tượng sử dụng các chất ma túy, có một số không nhỏ đã tham gia vào việc vận chuyển thuê, bán thuê ma túy cho các đối tượng buôn bán chuyên nghiệp hoặc tự do tham gia buôn bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thu lợi bất chính vừa có tiền để duy trì việc sử dụng ma túy của bản thân

Một dạng ma túy "trá hình" được cơ quan công an phát hiện.

Sự lạm dụng các chất ma túy sẽ làm mất đi các giá trị tổng hòa của cuộc sống cộng đồng, gây mất ổn định xã hội. Việc duy trì các dịch vụ có liên quan đến ma túy vừa tốn kém vừa tiêu phí nguồn nhân lực quý giá cần thiết cho các nhu cầu và các mối quan tâm khác của xã hội.

Đặc biệt, đối với môi trường học đường, nếu như học sinh, sinh viên sử dụng ma túy (dưới bất cứ hình thức nào kể cả thông qua các loại thực phẩm có chứa ma túy) sẽ dẫn đến việc những người đó sẽ không còn hứng thú với việc rèn luyện và tiếp thu các kiến thức cần thiết mà chỉ có xu hướng muốn hưởng thụ các tệ nạn xã hội.

Không chỉ vậy các đối tượng này có thể sẽ lôi kéo thêm những bạn học của mình tham gia vào tệ nạn ma túy thậm chí hoạt động phạm tội về ma túy. Đặc biệt đáng lo ngại khi học sinh sử dụng ma túy dẫn đến tình trạng ảo giác, loạn thần sẽ có nguy cơ tự thương, tự sát hoặc gây nguy hiểm cho những người bạn học cùng gây mất an toàn học đường và dư luận xấu trong xã hội.

Phóng viên: Cha mẹ, học sinh, nhà trường cần lưu ý những điều gì để phòng tránh việc các em sử dụng các loại thức ăn, đồ uống chứa ma túy?

Thượng tá Phạm Quỳnh: Để phòng ngừa việc học sinh sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất ma túy, cha mẹ, học sinh và nhà trường trước hết phải thường xuyên cập nhật các tin từ về hình ảnh cũng như thủ đoạn mới của tội phạm ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động truyền thông của cơ quan chức năng. Trên cơ sở này, chính phụ huynh sẽ nâng cao kiến thức và kỹ năng cảnh giác trước sự lôi kéo của các đối tượng.

Bên cạnh đó, nhà trường và phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt và các mối quan hệ của học sinh, khi phát hiện các biểu hiện bất thường cần sử dụng các biện pháp y tế tại gia đình hoặc phối hợp với cơ quan y tế địa phương xét nghiệm ma túy cho học sinh.

Hiện nay, dưới sự chỉ của lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp các phòng nghiệp vụ thuộc Công an thành phố cùng các đơn vị chức năng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp về đặc điểm của một số loại ma túy mới, các loại ma túy núp bóng thực phẩm (có hình ảnh thực tế minh họa), tác hại cũng như kỹ năng phòng tránh cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường phổ thông trên địa bàn.

Ma túy thế hệ mới có tên "nước vui" được cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ.

Bên cạnh việc cử báo cáo viên đến từng trường học tuyên truyền về tác hại của các chất ma túy, chúng tôi đã chủ động phối hợp, tư vấn nội dung đến các trường phổ thông xây dựng các kịch bản sân khấu hóa về tệ nạn ma túy dưới hình thức tiểu phẩm ngắn, qua đó đưa các nội dung về thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng, hình thức của các loại ma túy mới, ma túy núp bóng thực phẩm đến người nghe một cách sinh động và dễ tiếp thu nhất.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thủ đoạn lôi kéo, nguy cơ vi phạm và cảnh báo hệ lụy đến bản thân người sử dụng, các hình thức xử lý của pháp luật đối với hành vi vi phạm về ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng bản tin bằng hình ảnh cảnh báo các chất ma túy mới, ma túy núp bóng thực phẩm, thuốc lá điện tử trong đó chú thích đầy đủ các nội dung và đặc điểm, tác hại của từng chất, thậm chí quy định về xử lý…

Trên cơ sở này, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy sẽ đề xuất lãnh đạo Công an thành phố Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tổ chức in ấn, đăng tải công khai tại các trường học, các khu chung cư dưới dạng bản tin và in ấn tờ rơi cấp phát tại các địa bàn trên toàn thành phố.

Xin trân trọng cám ơn Thượng tá về cuộc trao đổi thú vị này.