1. Trang chủ /
  2. Đánh giá thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng

Đánh giá thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng

thứ hai, 20/11/2023 22:31 GMT+07
Dư nợ cho vay tiêu dùng tăng thấp nhất, trong khi tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Trước tình hình này, nhiều đề xuất đưa ra để hoạt động cho vay tiêu dùng thực sự phát huy tác dụng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
Quang cảnh Hội thảo. (Nguồn ảnh: VNBA)

Dư nợ cho vay tiêu dùng tăng thấp

Thông tin tại Hội thảo “Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng (CVTD) của các tổ chức tín dụng (TCTD) và vấn đề thu hồi nợ hiện nay” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức ngày 16/11, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 TCTD triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng.

Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ CVTD của các CTTC tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho CVTD toàn hệ thống): “Đây có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội…” - Tổng thư ký VNBA nói.

Tuy nhiên, số liệu đến cuối tháng 9/2023 cho thấy, dư nợ CVTD toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua). Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%). “Thậm chí tỷ lệ nợ xấu của các CTTC có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều CTTC lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao…” - ông Hùng cho hay.

Theo Tổng Thư ký VNBA, tỷ lệ nợ xấu CVTD ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý. Đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền; Các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng không bị xử lý…

“Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn, một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục CVTD, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh…” - ông Hùng cho hay.

Khó khăn từ nhận thức, ý thức của người vay

Chia sẻ thực trạng hoạt động CVTD của các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay, ông Nguyễn Hồng Quân - Thành viên Hội đồng VNBA cho biết, khó khăn lớn nhất đến từ nhận thức và ý thức trả nợ của người đi vay.

Thực tế cho thấy, nhiều khách hàng không phân biệt được sự khác biệt giữa NHTM/CTTC với các app/website cho vay không chính thức nên có cách hành xử đối với khoản vay tại NHTM/CTTC như đối với các tổ chức “tín dụng đen”/phi chính thức… Cùng với đó là tình trạng lập các hội nhóm chuyên cung cấp, hướng dẫn dịch vụ giả mạo hồ sơ để vay tiêu dùng sau đó cố tình trốn nợ.

Đặc biệt, tình trạng “núp bóng” các công ty luật, công ty mua bán nợ đòi nợ thuê trái pháp luật với các hành vi đe dọa, khủng bố người vay kết hợp giữa đòi nợ truyền thống với sử dụng công nghệ cao tăng cao khiến cho người đi vay đánh đồng giữa hoạt động thu hồi nợ chính thống của NHTM/CTTC với các hoạt động bất hợp pháp nên không hợp tác trả nợ.

“Từ thực trạng đó khiến cho nợ xấu CVTD tăng cao, các NHTM/CTTC phải trích lập dự phòng lớn, trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, NHTM/CTTC buộc phải thu hẹp kế hoạch tăng trưởng. Hệ lụy là người dân không thể tiếp cận vốn vay từ các NHTM/CTTC, “tín dụng đen” phát triển và người chịu ảnh hưởng cuối cùng lại chính là người đi vay” - ông Quân phân tích.

Theo ông Quân, cùng với việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người vay, cần xây dựng hệ thống chấm điểm tín nhiệm công dân. “Bộ Công an xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM/CTTC tiếp cận Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm thiểu gian lận trong việc trộm cắp danh tính, giả mạo danh tính. Đồng thời triển khai công cụ chấm điểm mức khả tín, khai thác Big Data (thông tin thuế, thông tin sử dụng dịch vụ tiện ích, thông tin thuê nhà…), nghiên cứu bộ chấm điểm Alternative Scoring (chấm điểm tín dụng bằng dữ liệu thay thế) và chấm điểm hành vi của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), cũng như các NHTM để nâng cao tính tin cậy của công cụ...” - đại diện VNBA kiến nghị.

Về phía các NHTM/CTTC cũng cần thống nhất hiệp thương để đưa ra các tuyên bố chung về chế tài với việc cố tình, chây ỳ trả nợ như: nếu người vay bị đánh giá lẩn tránh, chây ỳ trả nợ tại 1 TCTD/CTTC thì sẽ không được cấp tín dụng tại các TCTD/CTTC khác, nhất là cấp thẻ tín dụng, vay mua ô tô,…

Cũng theo kiến nghị của VNBA, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD tích hợp trong Luật Các TCTD. Luật và các văn bản pháp quy dưới luật, như Nghị định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần có quy định về trách nhiệm của cá nhân vay vốn (người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính) về nghĩa vụ “vay - trả” và điều kiện để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trong vai trò người sử dụng dịch vụ; đề xuất nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép các tổ chức thu hồi nợ trung gian chuyên nghiệp hoạt động thu hồi nợ, hỗ trợ cho các NHTM/CTTC trong quá trình CVTD…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, CVTD là một lĩnh vực tiềm năng là nhu cầu khách quan và cần thiết của xã hội… Vấn đề là làm sao để giảm bớt loại hình kinh doanh bất hợp pháp đang nở rộ, lấn át CTTC chính thức; có hành lang pháp lý, chế tài thế về thu hồi nợ, chế tài đối với những tổ chức không chính thức, trá hình CVTD.
“Đây là vấn đề NHNN rất quan tâm, làm sao duy trì được sự tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống người dân, ngăn chặn “tín dụng đen”, củng cố và tiếp tục nâng cao niềm tin của thị trường - người dân - người vay vốn” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.