1. Trang chủ /
  2. 'Đánh thức' tiềm năng du lịch tâm linh bốn mùa

'Đánh thức' tiềm năng du lịch tâm linh bốn mùa

thứ tư, 28/2/2024 16:18 GMT+07
Trong những tháng đầu năm, du lịch tâm linh ở Việt Nam đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến các tỉnh, địa phương. Đây là một lợi thế để nước ta hướng đến việc khai thác, “đánh thức” tiềm năng, phát triển du lịch tâm linh trong cả bốn mùa.
Du lịch tâm linh ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. (Ảnh minh họa - Nguồn: Bnews)

Thị trường hấp dẫn

Việt Nam có lợi thế với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội dân gian ở khắp các tỉnh, thành phố. Điều này, từ lâu đã thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển, đáp ứng nhu cầu vừa thăm thú cảnh đẹp, vừa hành hương, đi lễ của du khách. Hiện nay, các sản phẩm du lịch tâm linh ngày càng được nâng cao chất lượng, mang đến nhiều trải nghiệm cho khách hàng.

Trong thời gian đầu năm, các tour du lịch đi đền chùa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được rất nhiều người đăng ký tham gia, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Đơn cử như Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) chỉ hơn 10 ngày (từ mùng 2 đến 13 tháng giêng) đã thu về gần 60 nghìn lượt khách đến. Các địa điểm được du khách ghé thăm nhiều là: Chùa Hạ Tây Yên Tử, chùa Trình, Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử...

Còn tại Lào Cai, chỉ riêng trong những tháng đầu năm Giáp Thìn 2024, hàng loạt các địa điểm du lịch tâm linh như đền Thượng Lào Cai - Di tích lịch sử thời Lê, đền Bảo Hà, đền Mẫu Thượng Sa Pa đã thu hút hơn 260 nghìn lượt khách đến tham quan. Theo ước tính, du lịch tâm linh sẽ giúp tỉnh Lào Cai hoàn thành sớm mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách trong năm 2024.


Thực tế, trong những năm vừa qua, nhận thấy tiềm năng du lịch tâm linh ở Việt Nam, các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá dưới nhiều hình thức, nhất là các hoạt động. Như tại Hội Xuân Tam Chúc năm 2024 (tỉnh Hà Nam) vừa qua, Fashion show “Nguyện ước chốn thiêng” với sự tham gia của các nhà thiết kế, người mẫu, hoa hậu nổi tiếng, cùng những bộ sưu tập thời trang cao cấp đã thu hút rất nhiều du khách.

Ngoài việc đẩy mạnh thông tin, truyền thông, các tỉnh, địa phương còn tích cực bảo tồn di sản văn hóa bản địa, trùng tu các kiến trúc công trình cổ, phục dựng những lễ hội đặc sắc. Như ở huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang), nổi tiếng với ngôi đền Thần Nông nằm trên dãy núi Huyền Đinh thuộc địa phận thôn Mỹ Sơn, xã Cẩm Lý. Đây là nơi đầu tiên tại miền Bắc nước ta thờ vị thần cai quản việc trồng trọt, đồng áng trong tâm thức người con đất Việt.

Năm 2017, UBND huyện Lục Nam đã khởi công phục dựng đền với kiến trúc 5 gian 2 chái, 2 tầng 8 mái đao cong. Việc xây dựng đền có ý nghĩa nhằm khuyến nông, phát triển nghề trồng trọt và tạo thêm một địa điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho Nhân dân trong vùng, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh.

Đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu


Trong những năm qua, người Việt Nam có nhu cầu du lịch tâm linh rất cao. Nhưng du lịch tâm linh chỉ “bùng nổ” mạnh mẽ vào các tháng đầu năm, khi người dân đổ xô đi chùa, lễ phật cầu may. Điều này đang tạo ra sự mất cân bằng tại nhiều tỉnh, địa phương, khi có tháng du khách đông đến mức quá tải, có tháng lại “lưa thưa” người đến thăm thú.

Việc này khiến không ít người dân bản địa mang tâm lý “ăn xổi”, cố gắng thu lợi nhuận du lịch chèo kéo, ép giá để bán sản phẩm, kể cả những cách làm “phật ý” du khách. Như đầu năm nay, tại tỉnh Thanh Hóa, một số đối tượng đã lợi dụng sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương và lòng tốt của du khách để tổ chức chèo kéo, ăn xin, xin tiền của du khách tại các di tích, nhất là tại các điểm di tích có ảnh hưởng tín ngưỡng rộng. Điều này đang tạo nên hình ảnh “xấu” về du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Khiến cho nhiều điểm du lịch dù có thiên nhiên, văn hóa hấp dẫn, nhưng không thể giữ chân du khách.

Hướng đến việc phát triển du lịch bền vững, hiện nay nhiều tỉnh, địa phương chú trọng khai thác tiềm năng du lịch tâm linh trong cả bốn mùa. Để thực hiện điều này, cần phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Lấy ví dụ, tỉnh Ninh Bình đã tập trung đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng, bên cạnh di tích lịch sử, đền chùa cổ kính như Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh còn chú trọng xây dựng các địa điểm khác như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, động Am Tiên - “Tuyệt tình cốc”, đầm Vân Long,... để thu hút du khách đến quanh năm.

Đặc biệt, hiện nay, để phát triển du lịch bốn mùa, ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm, việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch cũng cần được chú trọng. Như Bộ nhận diện thương hiệu Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” là logo được thiết kế dựa trên biểu tượng nụ cười, con đò, cánh diều, bãi biển, dòng sông, thể hiện sự vui tươi và nét bình dị đặc trưng của mảnh đất và con người xứ Quảng.


Gần đây nhất, để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Điện Biên, tham dự các hoạt động, sự kiện của Năm Du lịch quốc gia 2024, Ban Tổ chức đã công bố biểu trưng và khẩu hiệu Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024. Theo đó, biểu trưng và khẩu hiệu Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 được thiết kế dựa trên màu sắc đặc trưng của du lịch tỉnh Điện Biên. Trong đó, màu vàng tượng trưng cho du lịch lịch sử - tâm linh, cho đức tin và khát vọng; các màu chàm, xanh lá, tím nhạt biểu trưng cho du lịch văn hóa, khám phá cảnh quan thiên nhiên; màu xanh da trời tượng trưng cho du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe, giúp cân bằng năng lượng và mang đến cảm xúc tích cực.


Có thể bạn quan tâm