1. Trang chủ /
  2. Áp lực đồng trang lứa: Người trẻ vượt qua như thế nào?

Áp lực đồng trang lứa: Người trẻ vượt qua như thế nào?

chủ nhật, 26/3/2023 22:00 GMT+07
Lớn lên trong thời kỳ bùng nổ công nghệ với yêu cầu về năng lực, trình độ ngày càng cao, người trẻ của thế kỷ 21 gánh trên vai nhiều áp lực. Một trong số đó là áp lực đồng trang lứa (peer pressure).
Áp lực đồng trang lứa thường biểu hiện rõ nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên. Ảnh minh hoạ Áp lực đồng trang lứa thường biểu hiện rõ nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên. Ảnh minh hoạ

Áp lực đồng trang lứa bắt nguồn từ phép so sánh bản thân và những người đồng lứa tuổi, từ đó tạo thành áp lực. Nếu không được xử lý đúng cách, áp lực này sẽ gây ra những ám ảnh tâm lý nặng nề.

Áp lực đồng trang lứa có thể đến với bất kỳ thế hệ nào nhưng biểu hiện rõ nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên - những người đang bắt đầu cuộc sống độc lập, chưa có nhiều kinh nghiệm sống và dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh.

Áp lực đồng trang lứa: Người trẻ vượt qua như thế nào? - Ảnh 1.
Áp lực đồng trang lứa thường biểu hiện rõ nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên. Ảnh minh hoạ

Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, Hải Đăng (sinh viên ĐH Y Hà Nội) cho biết: "Học tập trong một ngôi trường danh giá, mình học hỏi được những kiến thức, kinh nghiệm quý giá từ bạn bè và anh chị khóa trước nhưng cũng không tránh khỏi những lúc áp lực, tự ti vì thành tích của họ quá "khủng". Tuy nhiên, áp lực nhất lại là khi mình so sánh bản thân với bạn bè học ngành khác. Trong khi mình mới đang chập chững những bước sơ khởi của ngành y, bạn bè học kinh tế đã kiếm được đến chục triệu một tháng. Nhiều 'gen Z' dù vẫn đang trên ghế nhà trường đã có thu nhập rất cao".

Với góc nhìn của một sinh viên quốc tế, Thế Phương (sinh viên ĐH Mondragon, Tây Ban Nha) chia sẻ: "Mỗi ngày, chúng ta tiếp xúc với hàng chục, hàng trăm thông tin về người trẻ thành đạt từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, đó chỉ là những thông tin mang tính bề mặt. Đằng sau sự hào nhoáng đó luôn ẩn chứa nhiều yếu tố như hoàn cảnh, xuất thân; những khó khăn, sự cố gắng mà người đó phải trải qua. Ví dụ, tuy may mắn được du học, nhưng cuộc sống của mình không hề toàn màu hồng. Mình cũng phải đánh đổi nhiều thứ, có những nỗi niềm, khó khăn và nỗ lực riêng mà ít người nhìn thấy được".

Vậy làm sao để người trẻ vượt lên được áp lực đồng trang lứa? Theo Thế Phương, người trẻ không cần áp lực phải 'chín ép', cứ từ từ phát triển theo năng lực và lộ trình của bản thân; bởi trưởng thành là tận hưởng cả cuộc sống chứ không phải chỉ để ganh đua với sự thành công của người khác. Nhìn vào gương bố mẹ, Phương thấy họ phát triển nhất ở độ tuổi U50 - muộn hơn so với 'tiêu chuẩn' của xã hội nhưng vẫn viên mãn trong cuộc sống hiện tại.

Chia sẻ về cách xử lý áp lực trên, Khánh Linh (sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết: "Mình thấy mỗi người có một hướng đi khác nhau. Dù trong cuộc sống không tránh khỏi cảm giác ganh tị hay thua kém với bạn bè, người khác, nhưng mỗi người đều có xuất phát điểm riêng, bước đi trên hành trình riêng theo nhịp điệu của chính họ. Theo mình, sự so sánh đích thực là so sánh mình của ngày hôm nay có tốt hơn, tiến bộ hơn ngày hôm qua hay không. Đó là cách mình vượt qua áp lực đồng trang lứa".

Là một người trẻ điển hình cho 'chuẩn thành công' của xã hội, tuy nhiên Khánh Vy - nữ MC tài năng của chương trình Đường lên đỉnh Olympia cũng từng chìm đắm trong áp lực đồng trang lứa. Từ trải nghiệm của bản thân, cô đã chia sẻ về cách cởi bỏ gánh nặng từ áp lực này.

Áp lực đồng trang lứa: Người trẻ vượt qua như thế nào? - Ảnh 2.
Khánh Vy - nữ MC tài năng của chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: NVCC

"Thuyền càng to thì sóng càng lớn. Những người mà chúng ta nhìn "Sao mà chị ý giỏi thế nhỉ!", họ đã và đang trải qua những khủng hoảng, những khoảnh khắc chật vật, vất vả trong cuộc sống mà mình sẽ không bao giờ biết được.

Cách mình làm chủ điều này là chuyển đổi 'fixed mindset' thành 'growth mindset'. 'Fixed mindset' là một tư duy hạn chế khi bạn cảm thấy bị đe dọa bởi những thành công của người khác. 'Growth mindset' là cảm thấy được truyền cảm hứng, có động lực bởi thành công của người khác; và mong được chuyển hóa tất cả những trải nghiệm, va chạm trở thành cơ hội để học tập.

Bước dần dần như thế và chỉ tập trung vào cuộc sống, kỹ năng và con người mình; sau một thời gian bạn sẽ cảm thấy đó cũng chỉ là cảm xúc thôi, và bạn hoàn toàn có thể vượt qua áp lực đồng trang lứa", nữ MC Khánh Vy chia sẻ.

Bàn về nguyên nhân của sự gia tăng áp lực đồng trang lứa trong thời đại mới, PGS.TS Nguyễn Phương Mai (cựu giảng viên ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan) cho biết, thế hệ Z hiện tại là thế hệ của công nghệ. Bởi ngôn ngữ đầu tiên khi sinh ra đã là công nghệ, họ có thể dễ dàng kết nối với bạn bè khắp năm châu bốn bể. Khi thế giới trở thành 'thế giới phẳng', các đường biên giới bị sụp đổ, họ không chỉ so sánh mình với cô bé hàng xóm hay anh chàng nhà bên nữa mà có thể so sánh với toàn thế giới. Những khúc mắc, trở ngại chính vì vậy cũng sẽ bội số lên nhiều lần so với giới trẻ ngày xưa.

Áp lực đồng trang lứa: Người trẻ vượt qua như thế nào? - Ảnh 3.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai. Ảnh: Vietcetera

Áp lực đồng trang lứa sẽ luôn thường trực trong cuộc sống của mỗi người trẻ. Ở mức độ vừa phải, áp lực biến thành động lực giúp họ đi đúng hướng. Ngược lại, áp lực sẽ trở thành gánh nặng, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của chính chúng ta. Vì vậy, người trẻ cần hiểu rõ và biết cách xử lý áp lực đồng trang lứa, đặc biệt trong thời đại của công nghệ và mạng xã hội hiện nay.