Đau đầu vì nguyên phụ liệu đầu vào
Gặp khó trong nguồn cung nguyên phụ liệu
Mặc dù đứng trong “top” đầu các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng ngành da giày và dệt may vẫn phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu bên ngoài. Theo Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 22,24 tỷ USD. Năm 2022, ngành dệt may phấn đấu xuất khẩu đạt 43 – 43,5 tỷ USD.
Còn đối với ngành da giày, theo Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 13,81 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2021. Các chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian qua kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may, da giày ghi nhận nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, 2 ngành này đang đứng trước mối lo về bất ổn nguồn cung nguyên liệu, đơn hàng chững lại.
Đại diện một doanh nghiệp ngành da giày cho hay, để làm ra 1 đôi giày thành phẩm, riêng phần da và đế giày phải sử dụng nguyên liệu 70 - 80% nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM khẳng định, việc tự chủ nguyên phụ liệu da giày ở thị trường trong nước vẫn còn rất yếu, nguồn nguyên liệu chính vẫn phải nhập khẩu từ các nước, trong đó nhiều nhất vẫn là Trung Quốc.
Tương tự, với ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho hay, căng thẳng giữa Nga – Ukraine khiến sức mua ở một số thị trường giảm mạnh, đơn cử như thị trường EU và Hoa Kỳ. Ngoài ra, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu chưa phục hồi nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong nửa đầu năm 2022, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày cho Việt Nam khi chiếm tỷ trọng lên đến 53%, với kim ngạch đạt 7,76 tỷ USD (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021). Tiếp đó là các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…
Tính chuyện giảm dần sự phụ thuộc
Trước áp lực về nguồn nguyên phụ liệu cho hoạt động sản xuất, ngành dệt may và da giày trăn trở việc chủ động nguồn nguyên liệu, tuy nhiên thực tế cho thấy, không đơn giản để thực hiện việc này. Đơn cử, như ngành thuộc da – hàng năm Việt Nam nhập khẩu hàng tỷ USD. Trong khi đó, nếu đầu tư sản xuất ngành này phải đối mặt các quy định ngặt nghèo liên quan đến môi trường. Tiếp đến là ngành dệt may, việc phát triển công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu trong nước vẫn đang gặp khó khăn. Hiện vẫn chưa có quy hoạch không gian phát triển các khu công nghiệp lớn, xử lý nước thải tập trung… nên nhiều địa phương không mặn mà với việc cấp phép các dự án dệt, nhuộm.
Như vậy, nếu chỉ một mình doanh nghiệp nỗ lực tự thân rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành. Theo ông Phạm Xuân Hồng, trước mắt việc tránh phụ thuộc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc là khó. Vì vậy, cần sự hỗ trợ chính sách, cũng như sự liên kết giữa các doanh nghiệp mới có thể vượt qua trở ngại về sự phụ thuộc này nhằm tự chủ nguồn nguyên phụ liệu trong nước.
Hiện Bộ Công thương đã và đang phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ nút thắt này, đồng thời xây dựng các giải pháp dài hạn. Theo kế hoạch, sẽ khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.