1. Trang chủ /
  2. Đầu tư logistics để phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc

Đầu tư logistics để phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc

thứ sáu, 22/9/2023 21:39 GMT+07
Theo Bộ Công Thương, những năm gần đây, các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và phát triển sản xuất, tiêu thụ cho sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN.
Cần quan tâm đến logistics để sản phẩm vùng dân tộc thiểu số lan tỏa hơn. (Ảnh: PV) Cần quan tâm đến logistics để sản phẩm vùng dân tộc thiểu số lan tỏa hơn. (Ảnh: PV)

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, cộng đồng ĐBDTTS&MN dần đã trở chuyên nghiệp trong việc giới thiệu sản phẩm của mình tham gia vào các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế; Kết nối giữa văn hóa với thương mại, kết nối giữa thương mại với du lịch và có những cộng đồng đã đưa được hàng hóa vào hệ thống phân phối trong nước và quốc tế.

Theo bà Nga, tiềm năng của sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN còn rất lớn nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc lan tỏa. Ví dụ, có những vùng mà đồng bào còn chưa thành thạo việc thương mại hóa các đặc sản có yếu tố đặc trưng, biến những sản phẩm mình làm ra thành hàng hóa. Hoặc họ gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận với những kiến thức để xây dựng tiêu chuẩn và mẫu mã bao bì. Thậm chí, việc kết nối nhiều khi cũng gặp khó khăn về vấn đề ngôn ngữ khi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nói tiếng Kinh còn chưa thạo.

Ông Trần Hoàng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội cho biết, Co.opmart đang gặp phải 2 vấn đề khá lớn khi tiêu thụ những sản phẩm đặc sản vùng, miền và đặc biệt là những sản phẩm của bà con ĐBDTTS&MN. Đó là vấn đề về nguồn hàng và sản lượng.

Nhu cầu của thị trường hiện nay đối với các sản phẩm đặc sản vùng miền và các sản phẩm nông sản an toàn rất cao. Khi Co.op mart có nhu cầu tăng thêm thì thường bị đứt gãy hoặc gián đoạn vì những nhà sản xuất - cung ứng này cơ bản là nhà sản xuất nhỏ lẻ. Do đó, Co.op mart mong muốn các nhà sản xuất sẽ chủ động hơn trong việc dự báo nhu cầu thị trường để có sản lượng phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, theo ông Quang, logistics cũng là vấn đề cần phải đặc biệt lưu tâm. Bởi sản phẩm thường được ĐBDTTS&MN sản xuất ở những vùng sâu. Quá trình vận chuyển hàng hóa về những điểm giao hàng, về trung tâm, những điểm bán hàng của hệ thống đang gặp rất nhiều khó khăn, cung đường vận chuyển rất dài. Trong khi các sản phẩm nông nghiệp thì cần điều kiện bảo quản tốt.

“Chúng tôi mong muốn các nhà sản xuất, các nhà cung ứng cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến các hoạt động logistics như công tác vận chuyển, công tác đầu tư cho khâu vận chuyển để tránh việc sản phẩm ở khu vực của mình thì sản xuất ra thành phẩm rất ngon, nhưng khi đến được tay người tiêu dùng thì không còn được nguyên vẹn chất lượng như ban đầu” - ông Quang nói.

Do đó, ông Quang đề nghị Nhà nước hỗ trợ công tác logistics, kho bãi cho các vùng sản xuất của ĐBDTTS&MN vì những sản phẩm nông sản này cần điều kiện bảo quản khá cao, mà HTX vẫn đang còn nhỏ, chưa thể đầu tư được cả xe lạnh, kho lạnh rồi hệ thống vận chuyển. “Nếu được thì Nhà nước cũng sẽ phải có sự đầu tư trong một số khâu như khu vực kho, xây kho, dựng những điểm bán trung tâm chẳng hạn. Hoặc tại những thành phố lớn thì phải có kho bãi để có thể làm điểm trung chuyển cho các HTX, từ đó để đưa hàng về siêu thị để bảo đảm hơn chất lượng hàng hoá sản phẩm” - ông Quang gợi ý.