Đẩy mạnh phân quyền, khắc phục tình trạng 'Hà Nội không vội được đâu'
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, hiện nay, Việt Nam đang đứng trước thời cơ có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài khi sự dịch chuyển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng các ngành đang diễn ra mạnh mẽ cả trên phương diện tốc độ và cường độ.
Tuy nhiên, tốc độ ra quyết định chậm, thiếu linh hoạt trong điều chỉnh cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư chiến lược và sự rối rắm trong thực hiện thủ tục hành chính dẫn đến việc không thể đưa ra cam kết về thời gian triển khai dự án... đang là rào cản chính khiến Việt Nam đánh mất lợi thế này.
Là địa phương tạo được "đột phá" trong cải cách hành chính, Hà Nội đang chiếm lợi thế, đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI.
"Từ đòi hỏi của thực tiễn và câu 'Hà Nội không vội được đâu' mà dư luận hay nói, chúng tôi coi là nỗi đau để lãnh đạo thành phố quyết tâm phải làm bằng được việc phân cấp, ủy quyền," Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bày tỏ về quyết tâm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để khắc phục tồn tại trong công tác cải cách hành chính của thành phố, cản trở sự phát huy nguồn lực đầu tư phát triển.
Tạo đột phá
Xác định đẩy mạnh cải cách hành chính là đòn bẩy thu hút đầu tư, hơn 2 năm qua, với sự quyết liệt và khát khao đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, Hà Nội đã có bước tiến lớn về cải cách hành chính, tạo sự bứt phá ngoạn mục.
Từ vị trí thứ 10 (năm 2021) trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Hà Nội đã vươn lên vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng chỉ số này năm 2022.
Cải cách hành chính là nội dung chính trong Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” - chương trình cốt lõi, xương sống trong 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy khóa XVII.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 01, bằng tư duy khoa học, đổi mới và phong cách hành động, dám nghĩ, dám làm, Thành ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cùng với phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế-xã hội đã tập trung ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, với quyết tâm đó, Thành ủy đã tổ chức thực hiện bài bản, từ việc thành lập Ban Chỉ đạo đến giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là giao khoán chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ cùng với hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá.
Sau hơn 1 năm triển khai, thành phố đã điều chỉnh, bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện đối với 9 lĩnh vực, với 210 nhiệm vụ chính. Đặc biệt, thành phố thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, chiếm 45,6% tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố. Kết quả này tăng 6 lần so với trước đó (trước đó có 91 thủ tục hành chính, chiếm 5,31% trên tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện được phân cấp, ủy quyền).
Kết quả thực hiện cải cách hành chính theo Chương trình 01 từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Hà Nội thực hiện vượt 5/10 chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra; 14/18 nhiệm vụ hoàn thành; 4 nhiệm vụ đang thực hiện bảo đảm tiến độ.
Hà Nội tập trung cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, tài chính công... ghi nhận những kết quả tích cực, trong đó nổi bật là kết quả cải cách thủ tục hành chính.
Cụ thể, thành phố chú trọng xây dựng cơ chế liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính và đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại; công bố danh mục thủ tục hành chính, thay thế, bãi bỏ thủ tục hành chính không phù hợp, ban hành quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trong đó 99,58% số hồ sơ được giải quyết đúng hạn.
Thành phố chỉ đạo, đổi mới cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo hướng điện tử thống nhất trên toàn thành phố, đáp ứng yêu cầu theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố cơ bản thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Đáng chú ý, Hà Nội đã thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, phục vụ việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư; thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông "đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí."
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã được thành phố công bố mới đây cho thấy, quận Hoàn Kiếm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội vươn lên vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.
Cuộc cách mạng “phân cấp, ủy quyền” của Hà Nội đã cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Trung ương “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực” đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người dân về một nền hành chính “hành là chính” sang ngày càng văn minh, hiện đại.
Những cố gắng của Hà Nội trong cải cách hành chính cùng với năng lực, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố đã cho trái ngọt. Thành phố duy trì sức bền của kinh tế Thủ đô cũng như vị trí đầu tàu ngay trong bối cảnh khó khăn nhất.
Quý 1/2023, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP thành phố đạt 5,86%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2023 đạt 178.000 tỷ đồng, bằng 50,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Hà Nội còn đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD.
12 nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính của thành phố còn một số tồn tại, hạn chế. Việc thực hiện số hóa tại bộ phận một cửa các sở, ngành và bộ phận một cửa của Ủy ban Nhân dân cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra. Một số cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm hoàn thành tiến độ triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính đặt ra. Một số sở, ngành chưa chủ động, tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính...
Với quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 01 cho biết công tác cải cách hành chính, nhất là nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền mới chỉ là bước đầu. Tới đây, thành phố phải làm tiếp, làm mạnh hơn nữa gắn thực hiện tốt chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển."
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, cần đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố; thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số; phát huy đoàn kết, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; sâu sát cơ sở; chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở.
Cụ thể hóa tinh thần này, thành phố xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đẩy mạnh cải cách hành chính trong giai đoạn 2023-2025. Đáng chú ý, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính gắn với thực hiện chủ đề công tác hàng năm; triển khai đồng bộ giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX); tiếp tục triển khai kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
Hà Nội tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định hành chính, thủ tục hành chính nội bộ, trọng tâm là thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tư pháp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải...
Đặc biệt, thành phố sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả để tiếp tục đề xuất phương án thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là nhóm có thủ tục hồ sơ hành chính nhiều giao dịch như tư pháp, đất đai, xây dựng, lao động, thương binh và xã hội, bảo hiểm, thuế...
Cùng với đó, thành phố thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu chỉ tiêu, thời hạn của Trung ương và thành phố; gắn với tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho cấp xã, đặc biệt là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp./.