Đẩy mạnh phong trào tẩy chay sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm
Chương trình nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường nguồn lực, năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và thực hành về an ninh, an toàn thực phẩm.
Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh họa: NC)
Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm chất lượng, an ninh, an toàn thực phẩm; phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, chủ động xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn; kiểm soát tốt an ninh, an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Chương trình nhằm đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; duy trì, ổn định chuỗi cung thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thực phẩm được sản xuất tại Hà Nội và kiểm soát toàn diện chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và sản phẩm thực phẩm nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Chương trình của Thành ủy Hà Nội đề ra nhiều mục tiêu cụ thể. Trong đó có nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ thành phố tới cơ sở theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước.
Phấn đấu 100% người quản lý, 100% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm. 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được cấp giấy chứng nhận. 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm toàn Thành phố, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ theo kế hoạch.
Thành ủy Hà Nội cũng đề ra 8 giải pháp chủ yếu thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TƯ. Đáng chú ý, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn thực phẩm trên địa bàn, xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn do mình phụ trách.
Đặc biệt, tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với từng công đoạn của “Chuỗi cung cấp thực phẩm”; chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, cơ sở kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ… Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.