1. Trang chủ /
  2. Ba vị vua nhà Nguyễn chống ngoại xâm đến hơi thở cuối cùng (Bài 1): Vua Hàm Nghi đâu cũng đi miễn là đánh thắng giặc

Ba vị vua nhà Nguyễn chống ngoại xâm đến hơi thở cuối cùng (Bài 1): Vua Hàm Nghi đâu cũng đi miễn là đánh thắng giặc

thứ hai, 11/9/2023 12:57 GMT+07
Lên ngôi khi mới 13 tuổi nhưng Vua Hàm Nghi (1871 - 1943) đã sớm nhận ra bộ mặt thật xâm lược của thực dân Pháp. Một năm sau đó, ông đã soạn bản Chiếu Cần vương nổi tiếng, kêu gọi toàn dân đứng lên chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Nhà vua bị lưu đày nhưng đến hơi thở cuối cùng, ông vẫn không khuất phục…
Vua và cận vệ trong phong trào Cần Vương. (Ảnh: Tư liệu)

Đánh đồn Mang Cá

Vua Hàm Nghi tên thật là Ưng Lịch, lên ngôi vua ngày 1/8/1884. Lễ đăng quang của Hàm Nghi không được Nam triều thông báo cho Khâm sứ Pháp tại Trung kỳ, vì thế Rheinart không thừa nhận vua mới. Chúng yêu cầu mời các đại thần cơ mật sang toà Khâm sứ, để bàn định nghi thức gặp gỡ giữa Vua Hàm Nghi và đại diện tối cao của Chính phủ Pháp. Yêu cầu này bị Tôn Thất Thuyết từ chối.

Vua Hàm Nghi lúc trẻ. (Ảnh: Tư liệu)
Vua Hàm Nghi lúc trẻ. (Ảnh: Tư liệu)

Tướng Đờ Cuốc-xy doạ sẽ đem quân sang bắt. Trước tình thế không thể trì hoãn, nửa đêm ngày 7/7 năm Ất Tị (1885) Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công bất ngờ vào đồn Mang Cá và đồn Pháp cạnh toà Khâm sứ. Quân Nam đánh rất hăng hái, song vũ khí quá thô sơ và giao liên non kém nên chỉ mấy giờ sau thì thất bại. Kinh thành Huế thất thủ. Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tập hợp tàn quân chực sẵn ở cửa Chương Đức vào cung đón vua và Tam cung chạy khỏi Hoàng thành, xa giá ra Quảng Trị. Đạo Ngự có hơn ngàn người, phần đông là các đại thần, ông hoàng bà chúa, già có, trẻ có, đi kiệu, đi ngựa và đi bộ.

Qua hai ngày đi đường, đoàn ngự đến Quảng Trị, rất nhiều người kiệt sức vì chuyến hành trình vất vả. Chiều 8/7/1885 theo lệnh của Từ Dũ Hoàng Thái hậu, Tôn Thất Thuyết chia đạo ngự ra làm hai đoàn: một đoàn theo Từ Dũ trở lại Huế gồm các hoàng thân và quan lại già yếu hoặc nặng gánh gia đình cùng phụ nữ yếu đuối. Một đoàn theo Vua ra Tân Sở xây dựng căn cứ chống Pháp.

Căn cứ Tân Sở nằm trên cao nguyên miền Trung, phía tây là Lào, đông là trảng cát khô cằn tỉnh Quảng Trị. Đây là vùng khí hậu khắc nghiệt, cây cối thưa thớt cằn cỗi, mùa hè gió Lào mù mịt, nóng như thiêu đốt. Sau ba ngày ở Tân Sở, Hàm Nghi đã phê chuẩn Chiếu Cần Vương với ý thức trách nhiệm rất rõ ràng của một ông vua khi đất nước có ngoại xâm. Hàm Nghi nói với Tôn Thất Thuyết: “Bây giờ trẫm mới hiểu vì sao khanh không muốn trẫm về Huế khi còn bị giặc Pháp chiếm đóng. Đi đâu cũng đi, sống thế nào cũng được, miễn là đuổi cho được giặc Pháp ra khỏi đất nước”.

Thế là ngày hôm sau, Tôn Thất Thuyết phò vua rời Tân Sở, ngược Mai Lĩnh qua Lào, tiếp tục vượt đèo Qui Hợp, sang địa phận Hà Tĩnh để về Ấn Sơn là nơi mà Tôn Thất Thuyết dự định đặt đại bản doanh của nhà vua. Đoàn trên ngàn người ra đi từ Hành cung Quảng Trị, giờ chỉ còn 200 người cả quan lẫn lính, với một cái kiệu, trong đó Hàm Nghi đang lên cơn sốt, 6 cái võng, 1 con ngựa, 3 con voi và 50 gánh hành lý.

Suốt dọc con đường dài hiểm trở, gian lao, vị vua sớm nếm mùi gian khổ ấy vẫn giữ vững ý chí kiên cường, bởi ông hiểu cuộc chiến đấu sắp tới sẽ vô cùng ác liệt.

Cần Vương chống Pháp

Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, dân chúng và sĩ phu cả nước liên tiếp đứng dậy cầm vũ khí chống Pháp. Ở Hà Tĩnh, Lê Ninh và ấm Võ đã lãnh đạo thân hào, nhân sĩ và nhân dân chiếm tỉnh thành, bắt Trịnh Văn Báu, giết Lê Đạt là những kẻ chống lại phong trào Cần Vương.

Triều đình Huế cử Hoàng Kế Viêm ra Quảng Bình dụ Vua Hàm Nghi và các quan cựu thần về. Trong tờ dụ đại lược nói rằng: Nếu Vua Hàm Nghi thuận về thì sẽ phong cho làm Tổng trấn ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, lại cấp cho bổng lộc theo tước vương. Các quan cựu thần như Trương Văn Ban, Nguyễn Trực, Lê Mô Khải, Phan Trọng Mưu, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nha, Ngô Xuân Quỳnh... ai về thú thì sẽ được phục nguyên chức, cho làm quan từ Quảng Trị trở vào. Còn các ông Trần Xuân Soạn, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Đình Phùng chịu về thì sẽ tha những lỗi trước, và phong cho chức hàm khác. Chẳng có quan nào chịu về đầu hàng cả. Hoàng Kế Viêm phải lui về vào tháng 5 năm Đinh Hợi (1887).

Bấy giờ quân Cần Vương đã khá đông nhưng vẫn còn rải rác, chưa tụ họp được. Quân của Đề đốc Lê Trực đóng ở mạn Thanh Thủy, thuộc huyện Tuyên Chánh; quân của Tôn Thất Đạm là con của Tôn Thất Thuyết đóng hạt Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Còn Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Phạm Tuân thì phò Vua Hàm Nghi ở mạn huyện Tuyên Hóa.

Trong đoàn hộ giá Vua Hàm Nghi còn có Trương Quang Ngọc, đem một đạo quân Mường rất tinh nhuệ đến giúp. Tôn Thất Thiệp bảo vệ nhà vua một cách nghiêm mật, ai nói đến đầu hàng thì bắt chém ngay, cho nên về sau này, bọn Trương Quang Ngọc tuy đã bị Pháp mua chuộc nhưng chưa dám hạ thủ.

Ở mé ngoài, các ông Lê Trực và Tôn Thất Đạm nay đánh chỗ này, mai phá chỗ kia, Pháp không sao dẹp được. Đại úy Mouteaux đánh đuổi lâu ngày nhọc mệt, bèn xin về Pháp nghỉ. Cuộc chiến đấu trong rừng của Vua Hàm Nghi vẫn tiếp tục cho đến tháng chín năm Mậu Tý (1888).

Những ngày kháng chiến cuối cùng

Vua khi bị lưu đày. (Ảnh: Tư liệu)
Vua khi bị lưu đày. (Ảnh: Tư liệu)

Bấy giờ có tên suất đội Nguyễn Đình Tình, hầu cận Vua Hàm Nghi, không chịu được khổ cực, ra hàng ờ đồn Đồng Cả, khai rõ tình cảnh cùng chỗ vua đóng. Bọn Pháp bèn sai tên Tình đem thư lên dụ tên Trương Quang Ngọc. Được mấy hôm, cả hai tình nguyện đi bắt Vua Hàm Nghi.

10 giờ đêm ngày 26/9/1888, Ngọc và Tình đem hơn 20 lính Mường vào bao vây lều tranh của Vua Hàm Nghi trên bờ khe Tả Bảo. Nghe tiếng động, quan Thống chế Nguyễn Thúy và con trai ông, giữ chức Tham biện Nội các, chạy ra, bị tên Ngọc đâm chết ngay.

Tôn Thất Thiệp cầm gươm nhảy ra, quyết cứu Hàm Nghi cũng bị đám quân Mường xúm vào giết chết. Biết mình bị phản, Vua Hàm Nghi bước ra, cầm thanh gươm đưa cho Trương Quang Ngọc và bảo rằng: "Mi giết tau đi còn hơn đưa tau về nạp cho Tây". Vua vừa nói dứt lời, một tên lính Mường lẻn ra sau lưng ôm lấy rồi giật thanh gươm ra. Từ đó, Nhà vua không nói năng gì nữa. Sau ba năm kháng chiến anh dũng, chịu nhiều gian truân, khổ ải trong rừng sâu nước độc, Vua Hàm Nghi mới chịu sa vào tay giặc. Lúc ấy, Nhà vua mới l7 tuổi.

Từ Thuận Bài, quân Pháp đưa Nhà vua về cửa Thuận An, khi bằng võng, khi bằng thuyền. Tại Thuận An, khi Khâm sứ Rheinart và các cơ mật đại thần đến chào, Vua Hàm Nghi cáo ốm không tiếp. Sau vì nể, Nhà vua phải tiếp Rheinart với thái độ rất lạnh nhạt. Đến khi Rheinart cho biết Hoàng Thái hậu đang ốm và hỏi: "Nếu Nhà vua muốn thăm, tôi sẽ cho tàu về đón", Nhà vua đáp: “Tôi thân đã tù, nước đã mất, còn dám nghĩ chi đến cha mẹ, anh chị em nữa”. Nói rồi vua cáo ốm, lánh vào phòng riêng. Tìm mọi cách thuyết phục Hàm Nghi cộng tác, làm vua bù nhìn không được, thực dân Pháp đẩy nhà vua đi an trí tại An-giê (Thủ đô Angiêri, thuộc địa của Pháp).

Con chim nhỏ đã quên tiếng hót
Đoạn hồi ký sau đây của cô Blanche, con viên đại tá tư lệnh An-giê, sẽ cho thấy phần nào cuộc sống của Hàm Nghi, dù bị lưu đày vẫn không thỏa hiệp với thực dân Pháp:
“Ông hoàng đứng như một bóng đen nho nhỏ tựa vào lan can, đăm đăm nhìn ra phía chân trời. Người nghĩ gì? Điều chắc chắn là nỗi căm hờn người Pháp chúng tôi đang hừng hực dâng lên như những lớp sóng vô tận đuổi nhau ra khơi. Chẳng hay có về đến Tổ quốc thiêng liêng của Người không? Nỗi bất bình chiếm lĩnh trí óc tôi. Lòng thương vô hạn đối với con người nhỏ bé ấy sớm bị nanh vuốt cú diều cuỗm đi xa tổ ấm, xa những người thân làm tôi băn khoăn, thao thức: "Ta phải sửa chữa lỗi lầm này". Cha tôi chế nhạo tôi đến phát khóc, nhưng cũng khen tôi có trái tim vàng.
Tôi yêu cầu cha tôi đề đạt với phủ Toàn quyền cho tôi được trông nom, săn sóc Người và đã được chấp thuận. Tôi từ bỏ ý định tiếp tục học khoa Luật, quanh quẩn bên con chim nhỏ bé của tôi. Buồn thay! Con chim ấy đã quên tiếng hót, âm thầm như cá chép (ngạn ngữ Pháp), không nói năng, đòi hỏi gì. Tình trạng ấy kéo dài mấy tháng, tôi xoay xở đủ cách cũng vô hiệu.
Vì sao Người từ bỏ ngai vàng? Nếu Người thuận theo trở lại ngôi báu thì người Pháp chúng tôi vui mừng biết chừng nào. Vì Người được toàn dân sùng bái, toàn thể sĩ phu tôn thờ. Tôi hiểu rằng lòng yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình, yêu đồng loại cao hơn chiếc ngai vàng nhỏ bé. Tôi yêu nước Pháp Tổ quốc tôi, nên rất trọng những người yêu mến Tổ quốc họ...”.