Ba vị vua nhà Nguyễn chống ngoại xâm đến hơi thở cuối cùng (Kỳ 3): Thành Thái, vị vua 'điên' chống Pháp
Bất ngờ lên ngôi
Vua Đồng Khánh băng hà vào lúc năm cùng tháng tận, làm triều đình hết sức bối rối. Việc lựa chọn người nối ngôi cần phải nhanh chóng để Tân xuân kịp có Tân quân. Sáu người con trai của Đồng Khánh đều còn quá nhỏ. Bấy giờ ý chỉ của Lưỡng Tôn Cung (Nghi Thiên Chương Hoàng hậu - vợ Thiệu Trị và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu - vợ Tự Đức) muốn chọn người con thứ 7 của Dục Đức (đã bị phế truất) là Hoàng tử Bửu Lân lên ngôi.
Viện Cơ mật không dám tự tiện lựa chọn Tân quân nên mới cùng nhau sang Tòa Khâm sứ để hỏi ý kiến. Các quan hỏi ông Khâm sứ rằng: “Hiện nay Vua Đồng Khánh đã băng hà, theo ý của quý Khâm sứ thì nên chọn ai lên kế vị?” Nhưng ông Diệp Văn Cương, nhân viên toà khâm, lại dịch khác ra rằng: “Nay nhà Vua Đồng Khánh đã băng hà, Lưỡng Tôn Cung cùng Cơ mật viện đều đồng lòng chọn Hoàng tử Bửu Lân lên ngôi, không biết ý kiến quý Khâm sứ thế nào?”. Nghe thế, đại diện Khâm sứ đáp: “Nếu Lưỡng Tôn Cung và Cơ mật đã đồng ý chọn Hoàng tử Bửu Lân thì tôi cũng xin tán thành”. Câu này ông Cương cũng dịch ra một cách khác: “Theo tôi, các quan Cơ mật nên chọn Hoàng tử Bửu Lân là hợp hơn cả”.
Tưởng Toà Khâm sứ cũng cùng ý kiến với Lưỡng Tôn Cung, các quan Cơ mật viện không còn nghi kỵ gì nữa, liền tổ chức đi rước Hoàng tử Bửu Lân (tức Vua Thành Thái sau này). Phải nói thêm rằng ông Diệp Văn Cương là chồng bà Công Na Thiện Niệm, con gái Thoại Thái Vương. Bà Thiện Niệm là cô ruột Vua Thành Thái.
Hoàng tử Bửu Lân theo mẹ là bà Từ Minh Huệ Hoàng hậu Phan Thị Điều về quê ngoại lúc Vua Dục Đức còn sinh thời. Đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) thì theo mẹ vào ở Thành Nội lo việc hương khói ở nhà thờ của Vua Dục Đức. Hoàng tử Bửu Lân được rước vào Đại nội, chọn ngày lành tháng tốt làm lễ đăng quang.
Vị vua hay vi hành trong dân
Thành Thái có tinh thần tự cường dân tộc và đầu óc cải cách. Vốn sẵn thông minh, từ nhỏ đã sống chan hòa với nhân dân lao động nên Thành Thái sớm có ý thức dân chủ, muốn chia sẻ gian khổ với những lớp người cùng khổ trong xã hội, muốn hiểu biết những tâm tư, tình cảm của họ. Vì thế, Nhà vua thường hóa trang đủ cách để được tự do đi lại trong dân. Điều này làm giới cầm quyền Pháp tại Toà Khâm sứ hết sức lo ngại, thường tìm mọi cách để ngăn chặn mà không được.
Có lần Vua Thành Thái đi bách bộ trên cầu Gia Hội, gặp một người vác mấy cây tre, lính vội chạy lên dẹp đường. Nhà vua bảo: “Mình dân không phải là dân, vua không phải là vua, tại sao dẹp người ta làm chi?”.
Vua Thành Thái thường đi săn bắn ở Cổ Bi (cách Huế 30km), hay ghé chơi các làng dọc sông Bồ. Vào làng Vua thường cho trải chiếu ngồi giữa đất. Dân làng vây quanh để xem mặt Vua. Nhà vua hỏi dân muốn xem chi, dân đều nói muốn xem bắn, Nhà vua liền bắn cho họ xem.
Lại có lúc Nhà vua cải trang thành một người ăn mày và thực hành việc ấy. Ai cho gì, Nhà vua cũng nhận. Chắc Nhà vua muốn “thử cho biết” để hiểu sâu sắc hơn những nỗi đau trần thế.
Đoàn nữ binh trong Đại nội
Ngấm ngầm chống Pháp, Vua Thành Thái huấn luyện một đoàn binh toàn là nữ. Có lẽ Vua Thành Thái muốn che giấu việc huấn luyện quân sự của mình nên mới có sáng kiến như thế. Nhà vua tự bỏ tiền ra để tuyển mộ nữ binh, cho ăn mặc áo quần theo kiểu riêng, hàng ngày chăm lo luyện tập quân sự một cách bí mật.
Việc tuyển mộ cũng diễn ra một cách bí mật. Nhà vua cho cận vệ thân tín tiếp xúc với những người con gái và gia đình họ. Nếu được chấp thuận, Vua cho “dàn cảnh” bắt cóc bằng cách hẹn ngày giờ và địa điểm, rồi cấm vệ quân đem xe song mã đến đón họ, đưa vào cung cấm. Một đội nữ binh gồm 50 người. Sau khi luyện tập quân sự đã thành thạo, 50 nữ binh ấy được bí mật trao trả về gia đình, đến khi cần thì nhập ngũ chống Pháp. Hết một đợt lại tuyển thêm 50 nữ binh mới.
Để bảo mật, các cô gái bị “bắt cóc” thường được đưa vào Tử Cấm Thành bằng cửa Hữu của Thành Nội, gần làng Kim Long, vì con đường này chạy dọc theo bên ngoài Hoàng thành dẫn đến cửa hậu rất vắng vẻ vào ban đêm. Cũng vì vậy mà các cô gái của làng Kim Long được tuyển mộ ưu tiên nhiều hơn cả.
Các cô gái làng An Ninh (giáp Kim Long) cũng được tuyển khá nhiều. Hầu hết trong số họ là thợ dệt vải (vải An Ninh rất nổi tiếng) nên Vua Thành Thái cho tổ chức ở Đại nội các chợ bán vải do các nữ binh ấy dệt trong quãng thời gian luyện binh. Như vậy một mặt dễ dàng lừa thực dân Pháp, mặt khác để cho nữ binh của Nhà vua có thể làm những công việc quen thuộc, như đang ở nhà mình.
Vị Vua “điên” chống Pháp
Cầu Tràng Tiền bắc qua sông Hương được khởi công lần thứ nhất năm 1899. Viên Khâm sứ Pháp Levécque vừa đặt hòn đá móng cho công trình, vừa nói đùa với Vua Thành Thái: “Khi nào cái cầu này gãy thì nhà nước Bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam cho bệ hạ”. Viên Khâm sứ cứ tưởng nói chơi vậy thôi, nào ngờ năm Giáp Thìn (1904) một trận bão lớn đã xô ngã nhịp cầu đầu tiên đó xuống sông Hương. Mấy hôm sau, khi gặp viên Khâm sứ trong một buổi lễ, Vua Thành Thái hỏi ngay: “Thế nào? Cái cầu gãy rồi đấy?”. Trước câu hỏi “móc họng” của Nhà vua, Khâm sứ Pháp chỉ còn xanh mắt lại, cười trừ, đánh trống lảng nói sang chuyện khác.
Lần khác lại xảy ra một chuyện khiến mối quan hệ giữa Vua Thành Thái và viên Khâm sứ đã xích mích, lại như lửa cháy lại đổ thêm dầu. Hôm ấy, Levécque đang tản bộ dạo mát trên cầu Thành Thái (Huế). Bất ngờ xe song mã của Vua cũng chạy ngang cầu. Không hiểu vô tình hay hữu ý, Levécque không cất mũ chào Vua. Trên chiếc xe song mã, Uy vệ Thừa kỵ đánh xe cho Vua, thấy trái mắt, bèn đưa cao roi ngựa, quất đánh chát một tiếng sạt qua đầu viên Khâm sứ. Levécque sợ tái cả mặt.
Có lẽ vì những xung đột như thế mà sau này, vị đại diện cao cấp Pháp quyết tâm tìm đủ mọi cách để hạ bệ Vua Thành Thái. Quyền hành của Vua Thành Thái ngày càng thu hẹp. Nhà vua bị cô lập dần, nên u uất đến cao độ. Ông trút sự phẫn nộ của mình lên các công văn bằng những lời phê gay gắt, không kiêng dè gì, kể cả những giấy tờ trao đổi với Toà Khâm sứ.
Ngày 12/10/1906, Levécque sắp đi Hà Nội, các Cơ mật Đại thần đề nghị Vua Thành Thái qua thăm Khâm sứ. Nhà vua lấy cớ đau chân, nhất định không đi. Tức giận, Levécque liền cho phao tin Thành Thái mắc bệnh điên để làm mất uy tín Nhà vua.
Ngày 12/7/1907, sau khi Thành Thái không chịu phê chuẩn việc thăng bỏ một số quan lại đã được Khâm sứ bàn và thỏa thuận với Hội đồng Thượng thư, Levécque tuyên bố: “Nhà vua không thành thật cộng tác với Chính phủ Bảo hộ thì từ nay mọi việc Hội Đồng Thượng Thư cứ tùy nghi mà làm”. Rồi Levécque thông báo cho Thành Thái biết: Từ nay Nhà vua không còn quyền hành gì nữa và không được ra khỏi nơi ở đã dành cho mình trong Đại nội. Nghe tin đó, Thành Thái vẫn dửng dưng như không.
Đồng thời với việc gần như truất phế và giam lỏng Vua Thành Thái, một Hội đồng Phụ chính được thành lập. Cuối cùng, một giải pháp được Pháp lẫn Hội đồng Phụ chính và cả Vua Thành Thái đồng ý, là theo tập quán Việt Nam “Phụ truyền tử kế” (cha truyền con nối), Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Levécque phải chọn một người con trai của Vua Thành Thái cho đăng quang.
Ngày 2/9/1907, các đại thần vào điện Càn Thành dâng lên một dự thảo Chiếu thoát vị. Nhà vua đọc bản dự thảo, nhếch mép cười, ghi hai chữ “phê chuẩn” rồi quay lưng đi vào. Chín ngày sau, Pháp cho áp giải Thành Thái vào Sài Gòn rồi đưa ra quản thúc ở Capsaint Jacques (Vũng Tàu). Năm 1919, Vua bị đày ra đảo Réunion, cùng với con mình là Vua Duy Tân.
Vi hành nạp phi
Cuộc vi hành thú vị nhất của Vua Thành Thái là khi ông cải trang thành một thư sinh nho nhã lên Kim Long chơi. Sau khi thăm đủ nơi chốn trên vùng đất thanh lịch này, ông cùng với mấy người tùy tùng bước xuống bến đò. Thấy cô lái đò xinh đẹp, Nhà vua hỏi cô gái: “Nàng có ưng làm vợ Vua không?”. Ngây thơ chẳng biết đó là vua cải trang, nàng nửa đùa nửa thật đánh bạo nói: “Ưng”. Lập tức, Thành Thái đứng dậy giành lấy chèo từ tay người đẹp, đích thân chèo đò xuôi sông Hương từ Kim Long đến bến Nghinh Lương trước Phu Văn Lâu. Đò cập bến, Nhà vua “rước nàng vào nội”, thể theo lời nguyện ước của nàng.
Câu ca dao: “Kim Long có gái mỹ miều/Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi” hẳn xuất phát từ giai thoại này...