Bài 1: “Văn hóa phong bì” - khi nét văn hóa truyền thống bị biến tướng
“Văn hóa” hay “tệ nạn”?
Trong phần tự bào chữa trước toà, bị cáo Lê Hồng Sơn - nguyên Giám đốc Công ty Blue Sky cho rằng: “Doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, nạn nhân của “văn hóa phong bì”. Trong phần bào chữa cho bị cáo này, Luật sư Giang Hồng Thanh nêu quan điểm rằng, một số cán bộ Nhà nước gây khó khăn, ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới tạo điều kiện cấp phép, nếu không đưa tiền, chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn. Tại phiên tòa, nhiều cựu giám đốc cũng khai phải bán nhà bù lỗ vì “bị mất chuyến bay” nên không còn lựa chọn nào khác, đành phải hối lộ thông qua “văn hóa phong bì để cảm ơn”.
Đáng nói, về chuyện nhận “phong bì cảm ơn”, trước vành móng ngựa, nhiều bị cáo là những cựu cán bộ, quan chức nhận hối lộ đã đưa ra đủ lý do để ngụy biện như: “không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm”, “không nhận thức đầy đủ về quà tặng”, thậm chí lý giải hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp “cảm ơn” chứ không đòi hỏi.
Đơn cử, bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Ngoại giao trình bày: “Tôi không làm trong quản lý kinh tế nên không phân biệt được ranh giới giữa hành vi dân sự nhận tiền cảm ơn và hành vi phạm tội. Khi bị điều tra, được công an giải thích và đọc hai quyển sách luật nên đã nhận thức được sai phạm”. Còn bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhiều lần biện minh rằng các doanh nghiệp cảm ơn mình sau khi thực hiện chuyến bay giải cứu, chứ “bị cáo không đòi hỏi”, “không ép bức doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, bản luận tội của Viện kiểm sát nhân dân xác định việc nhận “quà cảm ơn” thực chất là hành vi nhận hối lộ. Đại diện Viện kiểm sát phủ nhận lời biện minh của các bị cáo về “quà cảm ơn” với các lý do xác đáng: không thể coi là cảm ơn khi các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình; khi số tiền cảm ơn bằng cả một gia tài mà nhiều người mong ước; khi người đưa buộc phải đưa và hơn nữa trong bối cảnh, người dân và doanh nghiệp cả nước chắt chiu quyên góp cho quỹ vaccine và công tác cứu trợ nhằm phòng, chống dịch... Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, “việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội” và “cần phải nhận thức cho đúng để loại bỏ “văn hóa phong bì” ra khỏi đời sống xã hội”.
Nét văn hóa bị “biến tướng”
Điều đáng chú ý trong vụ án nêu trên là cụm từ “văn hóa phong bì” được nhắc đến nhiều lần nhưng việc gọi hành vi này là “văn hóa”, dù đặt trong ngoặc kép liệu có thỏa đáng? Đây có phải một nét văn hoá đúng nghĩa?
Để trả lời câu hỏi trên, trước hết cần khẳng định rằng, khái niệm văn hóa có nội hàm phong phú và rất rộng với rất nhiều định nghĩa khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Người cũng khẳng định “trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Đặc biệt, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định quan điểm: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, theo đó, Người nêu rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.
Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều Nghị quyết về văn hóa. Trong đó, Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã xác định: “Văn hoá Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”.
Nói riêng về văn hóa cảm ơn của người Việt, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử của dân tộc, từ thời Hùng Vương dựng nước đã có sự tích Lang Liêu tự tay làm bánh chưng, bánh dày để báo đáp ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái. Đến nay, nét văn hoá này vẫn được duy trì và tiếp nối, điển hình trong phần lớn các gia đình người Việt vẫn giữ truyền thống tổ chức lễ mừng thượng thọ ông bà, cha mẹ. Những dịp như giỗ tổ tiên, Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh..., con cái dù ở phương xa vẫn cố gắng về nhà hoặc làm một điều gì đó để bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Ngoài ra, người Việt cũng có nhiều ngày lễ, kỷ niệm để gìn giữ và phát huy truyền thống biết ơn, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Đền ơn đáp nghĩa” trong xã hội, như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7... Có thể thấy, truyền thống biết ơn, trả ơn được xem như một đạo lý làm người cơ bản, được nhiều thế hệ người Việt gìn giữ, trân trọng, truyền lại cho đời sau. Nét văn hoá này được xem như một trụ cột nền tảng của lẽ công bằng và những gì tốt đẹp nhất ở đời.
Như vậy, nếu dựa trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, cũng như truyền thống văn hoá cốt lõi của dân tộc thì “phong bì” cảm ơn trong nhiều trường hợp sử dụng hiện nay không thể được coi là một biểu hiện của văn hoá cảm ơn, mà cần nhận thức đúng đây một tệ nạn xã hội. Điều đáng lo ngại là tệ nạn phong bì cùng với “cơ chế xin - cho” vốn không mới và đang tồn tại phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực trong xã hội, từ những công việc thường nhật nhất như đi học, đi làm, tăng lương, khám bệnh, làm thủ tục hành chính… cho đến các công việc đặc thù hơn.
Trong môi trường công vụ, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đã coi việc nhận “phong bì cảm ơn” của người dân, doanh nghiệp như một thói quen bình thường, một “thông lệ” khi thực thi công việc của mình. Nếu có, họ sẽ giải quyết thủ tục nhanh chóng hơn, hướng dẫn kỹ càng hơn; nếu không có, họ sẽ nhũng nhiễu, hạch sách, làm khó dễ, gây khó khăn...
Điều đáng suy ngẫm không chỉ là tình trạng thoái hóa về đạo đức xã hội, đạo đức công vụ đang diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính trị và hành chính Nhà nước trong mối quan hệ với nhân dân mà ở một góc độ khác, từ một truyền thống cao quý, đẹp đẽ của người Việt là cảm ơn và bày tỏ lòng biết ơn, “tệ nạn phong bì” cho thấy nét văn hóa cảm ơn đã và đang bị lợi dụng để biện minh, ủng hộ cho hành vi tham nhũng.
Tại phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”, trình bày bản luận tội, đại diện Viện kiểm sát nhân dân nêu rõ trong vụ án này, có 21/54 bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” xảy ra tại một số bộ, ngành, địa phương. Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa, một số bị cáo cho rằng hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn sau khi thực hiện thành công các “chuyến bay giải cứu”. Viện kiểm sát xác định đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội; do vậy cần phải nhận thức cho đúng để loại bỏ “văn hóa phong bì” ra khỏi đời sống xã hội.
Đại diện Viện kiểm sát khẳng định hành vi nhận tiền của các bị cáo trong vụ án này là hành vi nhận hối lộ. Các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền là bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước, không thể coi là cảm ơn khi người đưa buộc phải đưa tiền. Các bị cáo nhận một số tiền đặc biệt lớn cho cá nhân mình trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp cả nước chắt chiu quyên góp cho Quỹ vaccine, cho công tác cứu trợ nhằm phòng, chống dịch.