1. Trang chủ /
  2. Bài 2: Cần đánh giá lại một cách toàn diện quy trình tổ chức đấu giá tài sản

Bài 2: Cần đánh giá lại một cách toàn diện quy trình tổ chức đấu giá tài sản

thứ sáu, 18/8/2023 16:47 GMT+07
Việc tổ chức đấu giá tài sản của Công ty Đấu giá Hợp danh Công Lập (Công ty Công Lập) có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Đấu giá, đáng lẽ phải được xử lý nghiêm, thì tại Kết luận Thanh tra số 50/KL-TTR ngày 24/12/2019 của Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ yêu cầu “tổ chức rút kinh nghiệm”.
Công ty Đấu giá Hợp danh Công Lập. Nguồn: https://daugiaconglap.com

Vi phạm quy định của pháp luật đấu giá tài sản về việc xác định Giá khởi điểm?

Tại Khoản 3, Điều 32, Luật Giá năm 2012 quy định về kết quả thẩm định giá như sau: “Kết quả thẩm định giá chỉ được sử dụng trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá”.

Mục 7 Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 5 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC quy định: “Thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá được xác định trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá; biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng tối đa không quá 06 (sáu) tháng kể từ điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực”.

Hơn nữa, tại Mục VIII Chứng thư Thẩm định giá của Công ty Eximvas (tháng 06/2017) cũng nêu rõ: “Thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá: 06 tháng kể từ ngày phát hành chứng thư”.

Tuy nhiên, tại thời điểm tổ chức đấu giá tài sản theo Thông báo đấu giá số 146/TB-CL ngày 19/06/2018, Công ty Công Lập vẫn áp dụng kết quả chứng thư thẩm định giá của Công ty Eximvas (tháng 06/2017) là căn cứ để xác định giá khởi điểm. Mặc dù người phải thi hành án là Công ty TNHH Sản xuất Rượu Golden Spirits Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty GSI) nhiều lần có đơn kiến nghị gửi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương và Công ty Công Lập để yêu cầu được định giá lại tài sản để phù hợp với giá cả tại thời điểm đem tài sản ra đấu giá nhưng không được chấp thuận.

Chưa chặt chẽ trong việc đảm bảo thời hạn ký phụ lục hợp đồng bán đấu giá

Ngày 17/07/2018, Công ty Công Lập có Thông báo số 384/TB-CL gửi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương về việc không có khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.

Theo quy định của Khoản 1, Điều 104, Luật Thi hành án dân sự thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Công ty Công Lập về việc tài sản đưa ra bán đấu giá lần đầu nhưng không có người tham gia đấu giá, chấp hành viên thông báo và yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản. Tuy nhiên, đến ngày 01/10/2018, chấp hành viên mới ban hành Quyết định số 01/QĐ-CTHADS để giảm giá tài sản và thực hiện ký Phụ lục hợp đồng số 160 (lần 1) để tiếp tục bán đấu giá tài sản của Công ty GSI và tự ý giảm giá khi chưa thỏa thuận với Công ty GSI.

 Có dấu hiệu vi phạm quy định Luật Đấu giá tài sản về việc thông báo công khai đấu giá tài sản?

Khoản 4, Điều 35, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 về niêm yết việc đấu giá tài sản quy định: “Ngoài việc niêm yết quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức đấu giá tài sản thực hiện thông báo công khai việc đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 57 của Luật này theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá.”

Tại Khoản 1, Điều 57, Luật Đấu giá tài sản 2016 về thông báo công khai việc đấu giá tài sản quy định: “Ngoài quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 35 của Luật này, đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 50 đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc”.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức đấu giá tài sản nêu trên, Công ty Công Lập chỉ thực việc niêm yết thông báo đấu giá tại Công ty Công Lập, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương, UBND phường Thới Hòa và chỉ đăng trên một tờ báo của địa phương là Báo Bình Dương mà không thực hiện việc thông báo công khai trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản. Việc này có dấu hiệu hạn chế thông tin đấu giá tài sản nêu trên đến với khách hàng tham gia đấu giá.

Trên đây là hàng loạt dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của Công ty Đấu giá Hợp danh Công Lập, trong đó có liên quan đến Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản thi hành án của người phải thi hành án là Công ty GSI.

Điều đáng nói, thay vì xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, hủy kết quả cuộc đấu giá hoặc thậm chí chuyển cơ quan điều tra vào cuộc để xác định có hay không có sự thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản, thì tại Kết luận Thanh tra số 50/KL-TTR ngày 24/12/2019 của Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ yêu cầu đơn vị tổ chức đấu giá tài sản nói trên là Công ty Đấu giá Hợp danh Công Lập “tổ chức rút kinh nghiệm”, yêu cầu Sở Tư pháp Tỉnh Bình Dương “tăng cường công tác thanh tra toàn diện theo kế hoạch việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các tổ chức bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để kiểm tra, đánh giá lại một cách toàn diện và khách quan quy trình tổ chức đấu giá tài sản nêu trên của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương và Công ty Đấu giá Hợp danh Công Lập. Trường hợp phát hiện các sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự nói chung, hoạt động đấu giá tài sản nói riêng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hoạt động đấu giá tài sản (người phải thi hành án, khách hàng tham gia đấu giá…).

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin!