Bài học từ việc mang hộ hành lý cho người khác khi đi máy bay
Một mực chối tội vẫn bị tuyên án tử hình
Theo thông tin từ cơ quan Hải quan, 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines xách vali chứa 11kg thuốc lắc và ma túy từ Pháp về Việt Nam đã được bàn giao cho Phòng CSĐT tra tội phạm về ma túy (PC04) Công an TP.HCM để mở rộng điều tra.
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) nhận định, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan điều tra sẽ xem xét xử lý thận trọng, khách quan, đảm bảo đúng người, đúng tội.
Việc chứng minh các nữ tiếp viên hàng không có biết đây là chất ma túy hay không thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc xác định có tội hay không sẽ được cơ quan điều tra chứng minh bằng các chứng cứ khách quan như mối quan hệ, các tin nhắn, thông tin trao đổi gửi hàng…
Theo quy định hiện hành, người giữ hộ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác mà biết rõ mục đích sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu bị khởi tố theo Khoản 4 Điều 250 BLHS, với trọng lượng ma túy được xác định trên 11kg thì 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines đứng trước khung hình phạt 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình.
"Trường hợp các nữ tiếp viên này không biết là chất ma túy thì vẫn có thể bị xem xét xử lý về hành vi buôn lậu và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định", luật sư Nghĩa nhấn mạnh.
Theo luật sư, trong nhiều vụ án bị xét xử về tội danh "vận chuyển trái phép chất ma túy" thì các bị cáo có liên quan đều xuất phát từ việc do không am hiểu pháp luật hoặc động cơ ban đầu được một số đối tượng ở trong nước hoặc nước ngoài nhờ mang giúp hành lý "xách tay" qua sân bay, với tiền công hậu hĩnh. Thế nhưng, trong hầu hết các vụ việc thì những người xách giùm đồ cá nhân, hành lý xách tay có chứa ma túy hoặc các chất cấm đều phải liên đới chịu các hình phạt tù nghiêm minh của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa viện dẫn 2 vụ án bị cáo Đặng Tuấn Vinh và Phạm Ngọc Lâm bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt các mức án 20 năm tù; tù chung thân cùng về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy" và bị cáo Phạm Trung Dũng bị tuyên án tử hình đối với về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy".
Quá trình điều tra và tại tòa, các bị cáo đều một mực khai rằng không hề biết hành lý có ma túy mà chỉ xách giúp, vận chuyển hộ hành lý cho một người không quen biết để lấy tiền công. Tuy nhiên theo HĐXX, hành vi của các bị cáo có đầy đủ bằng chứng của tội "vận chuyển trái phép chất ma túy".
Quy định nêu rõ phải biết hàng hóa mình vận chuyển là gì?
Đã từng triệt phá nhiều chuyên án ma túy trên tuyến hàng không, Đại tá Phạm Văn Chình, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý chia sẻ, vụ việc 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dân phải cảnh giác với thủ đoạn vận chuyển ma tuý qua tuyến hàng không.
Trên thực tế, nhiều vụ việc cho thất mà tội phạm ma tuý không từ bỏ thủ đoạn, thậm chí "gắp lửa bỏ tay người", lợi dụng sự ngây thơ, non trẻ, thiếu hiểu biết về pháp luật của một số sinh viên, người lao động Việt Nam đi học tập, lao động ở nước ngoài để gửi hàng cấm. Ngoài ra, một bộ phận người dân vì lợi nhuận trước mắt mà tiếp tay tham gia vận chuyển ma túy cho đối tượng...
Do vậy, Đại tá Phạm Văn Chình khuyến cáo, khi cầm hộ hàng hóa cho ai, bạn phải biết chắc chắn hàng hóa là gì? Phải có thông tin rõ ràng của hàng hóa, thậm chí bạn phải kiểm tra kĩ hàng hóa trước khi nhận vận chuyển hộ. Đối với những người lạ, không quen biết, hàng hóa có nghi vấn, khó kiểm tra bằng mắt thường thì tốt nhất bạn không nên vận chuyển. Bởi pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng đối với người không có chức năng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, người dân buộc phải biết hàng hóa mình vận chuyển là gì.
Nếu trường hợp người dân vô tình vận chuyển hàng cấm thì bạn sẽ đồng phạm với người chủ sở hữu hàng hóa, người thuê bạn với vai trò là đồng phạm giúp sức. Nhất là đối với hàng hóa là ma túy, người vận chuyển thường được hưởng lợi không nhiều nhưng khung hình phạt trong các tội phạm về ma túy có thể lên đến chung thân, tử hình.