Bản hùng ca bất diệt
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại biểu Trung ương hành hương về Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào trong Lễ hội "Uống nước nhớ nguồn" nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Ảnh: Rạng Đông
Viết tiếp truyền thống "Bộ đội cụ Hồ"
Bác Hồ kính yêu từng nói: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc sống tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta... Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh dũng cảm của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta''.
Để có được sự giàu mạnh như hôm nay, quân và dân ta đã có nhiều cống hiến hy sinh, mất mát trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đã có rất nhiều chiến sỹ và đồng bào ta ngã xuống, biết bao tài sản quý giá về kinh tế, văn hoá đã bị chiến tranh tàn phá một cách không thương tiếc. Biết bao bà mẹ đã tiễn đứa con duy nhất, tiễn đến đứa con cuối cùng của mình lên đường đánh giặc và không bao giờ còn được gặp lại dù chỉ một lần sau cuối. Là con em của người Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về những chiến công anh hùng, hành động anh hùng, con người anh hùng của quê hương Việt Nam đã không tiếc tuổi thanh xuân, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập - tự do của dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (ngày 23/7/2022). Ảnh: Rạng Đông
Trong bài phát biểu tại buổi gặp mặt thân mật 75 đại biểu người có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ vào chiều 23/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới đây lại nêu rõ: "Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội".
Thực hiện chủ trương đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong cả nước đã có nhiều biện pháp và kế hoạch, phong trào phát huy mọi nguồn lực để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Đến nay, đã có hơn 9,2 triệu người có công, bao gồm các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi.
Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước ta còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ...
Những việc làm đầy trách nhiệm và tình nghĩa đó đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc"...
Trách nhiệm cao cả và nghĩa tình sâu nặng với người có công
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), từ năm 2016-2021, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương và địa phương vận động được khoảng 60.000 tỷ đồng; phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 70.000 sổ với tổng kinh phí hơn 121,5 tỷ đồng; xây dựng mới gần 43.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 28.500 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.553 tỷ đồng. Đến nay, đã có 9,2 triệu người có công bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng huân chương, huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sỹ, ngày 16/7/2022. Ảnh: Châu Yên
Trong nhiều năm qua, các chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như công lao đóng góp của người có công. Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi ngày càng được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được hoàn thiện và được nâng lên.
Sau 5 năm (2017 - 2022) thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết trên 7.000 hồ sơ người có công còn tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công trên 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Ngay trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Bộ LĐTB&XH đã trình xác nhận 387 liệt sĩ; trong đó có những trường hợp hết sức cảm động như: Cụ Phạm Khánh, sinh năm 1869, tham gia lực lượng Tự vệ đỏ tại Nghệ An khi đã 61 tuổi; liệt sĩ Đinh Công Gấm (SN 1921), là Tiểu đội trưởng Đội Cảm tử quân xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Các quân nhân tham gia kháng chiến chống Pháp là Hoàng Hoa, Phạm Văn Trịnh, Nguyễn Văn Năm, những người lính bộ đội Cụ Hồ chiến đấu, anh dũng hy sinh trong trận đánh Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Các đồng chí Võ Văn Xê, Trần Hoàng Nha, Thạch Huỳnh, Triệu Thương… dũng cảm truy quét tàn quân Pôn Pốt giúp bảo vệ chế độ mới và Chính phủ Campuchia...
Có được kết quả trên là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực lao động, người có công và xã hội nói chung, việc thực hiện toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình nói riêng trong cả nước.
Bên cạnh đó, còn là sự cố gắng, tập trung rất lớn của toàn thể các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các tổ chức chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp quần chúng nhân dân trong việc chung tay huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, với một quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin mãnh liệt nhằm thực hiện mục tiêu lớn lao của Đảng, Nhà nước trong công tác này...
Chương trình "Bản hùng ca bất diệt" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam và tỉnh Nghệ An tổ chức. Ảnh: Hữu Trung
Tháng 7 nghĩa tình, tháng của sự tri ân, nhớ về nguồn cội, về những ký ức hào hùng, bất khuất của dân tộc và cả những mất mát, hy sinh của những bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người dân Việt Nam không lúc nào nguôi ngoai trước những mất mát, đau thương để lại từ quá khứ. Mỗi tấc đất của Tổ quốc hôm nay đang giấu trong mình cả một ký ức về lịch sử khốc liệt của những cuộc chiến tranh mà bao đời ông cha đã kiên cường chiến đấu, bảo vệ.
Những chiến công và tên tuổi của các thế hệ ông cha đã trở thành bất tử, khắc ghi những trang vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc và mãi mãi được các thế hệ mai sau ghi nhớ, tri ân!