1. Trang chủ /
  2. Băn khoăn từ tờ 'Giấy chuyển viện'

Băn khoăn từ tờ 'Giấy chuyển viện'

thứ tư, 22/11/2023 22:12 GMT+07
Tại phiên thảo luận ngày 20/11 về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, một đại biểu Quốc hội chia sẻ cử tri có ý kiến rất nhiều về việc đi khám, chữa bệnh (KCB), bệnh nhân phải xin giấy chuyển viện là “phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi”.

Theo ông, việc có thêm “barrie đi xin giấy chuyển viện nên được bãi bỏ” và đề nghị tiến trình thông tuyến thực chất hơn nữa. Đặc biệt, trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sắp tới, cần cho phép người có BHYT muốn KCB ở đâu cũng được; phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng KCB, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc...

Quyền công dân, trong đó có quyền KCB, được hiến định và luật định. Cha ông ta từng nói: “Có bệnh thì vái tứ phương”, bởi sự sống là điều quan trọng nhất. Việc “xin chuyển viện” là nhu cầu chính đáng của bệnh nhân và người nhà.

Vì sao khó khăn? Nguyên nhân là: năng lực, trình độ của đội ngũ thầy thuốc, thiết bị KCB của tuyến cơ sở hiện có nơi còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu KCB, nhất là những bệnh nan y. Tuy nhiên, nếu thoải mái thì tuyến trên đã quá tải, càng quá tải.

Có lẽ vì điều này nên phản hồi của Bộ trưởng Y tế, việc giảm thủ tục phiền hà cho người dân khi đi KCB phải bảo đảm sự bền vững của hệ thống y tế, tránh quá tải dồn lên tuyến trên; phản ánh đúng thực tiễn. Hay nói cách khác: Nguyện vọng “xóa bỏ barie” hay “giữ nguyên barie” đều có cơ sở.

Từ câu chuyện “giấy chuyển viện”, nghĩ rộng ra, còn một số vấn đề trong cuộc sống đòi hỏi chính sách, quy định phải hoàn thiện, vừa bảo đảm tính khả thi, vừa phải bảo đảm quản trị hiệu quả. Xin nêu thêm ví dụ, khi thảo luận về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, một số đại biểu chất vấn về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Theo Dự thảo (khoản 1 Điều 8), điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm (hiện đang xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) và bị xử phạt.

Vấn đề này tiếp tục được tranh luận. Một số ý kiến cho rằng mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông cần phải được nghiên cứu, đánh giá trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi của luật khi ban hành.

So với quy định về nồng độ cồn khi thảo luận Luật Trật tự, ATGT đường bộ; thì “giấy chuyển viện” chỉ là “giấy phép con”. Con đường xóa bỏ “giấy phép con”, nhất là trong sản xuất kinh doanh cũng gian nan không kém, vì một số lý do như nêu trên.

Để giải quyết được vấn đề, đòi hỏi cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản phải ra những quy định tiệm cận được cuộc sống, nắm bắt được xu thế vận động. Có thể rút kinh nghiệm từ chuyện từng có thời gian Bộ Giao thông vận tải “đau đầu” khi tính toán chuyện quản lý xe taxi công nghệ. Quản hay cấm, phải có nghiên cứu khoa học, rút kinh nghiệm quá khứ, nắm bắt thực tế hiện tại và có tầm nhìn trong tương lai.