Bản tin Tài chính 26/07 - 30/07: Nhiều quốc gia châu Âu báo cáo mức lạm phát ở khu vực này đang ở ngưỡng cao kỷ lục trong thập kỷ qua
Những con số và sự kiện nổi bật trong tuần 26/07 - 30/07
1. Biến chủng Delta tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, kể cả ở những quốc gia phát triển nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Ngày 29/7, tổng cộng 31.117 ca mắc COVID-19 mới được báo cáo tại Anh, tăng gần 3.500 trường hợp so với một ngày trước đó. Số người tử vong cũng tiếp tục có xu hướng tăng với 85 bệnh nhân trong ngày 29/7, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 trong 7 ngày qua lên 499 ca, tăng gần 30% so với tuần trước. Cho đến nay, đã có 129.515 người thiệt mạng do COVID-19 tại Anh.
Còn tại Mỹ, chính phủ nhiều bang đã yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang trở lại. Theo Reuters đưa tin, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 29.7 cho biết, gần 70% các quận ở Mỹ có tỉ lệ lây truyền COVID-19 đủ cao và người dân cần đeo khẩu trang trong nhà ở các không gian công cộng ngay lập tức theo hướng dẫn mới.
Trong khi đó dịch bệnh tiếp tục hoành hành mạnh tại các quốc gia Nam Á, đặc biệt là Myanmmar đã trở thành một ổ dịch khổng lồ. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Indonesia đều đang cố gắng chạy đua tiêm chủng kết hợp với các biện pháp phòng chống dịch để giảm tối đa số ca nhiễm mới.
2. Chính phủ Mỹ đã công bố kết quả tăng trưởng GDP trong quý 2 2021 với mức tăng trưởng rất cao.
Cụ thể thìngày 29-7, Bộ Thương mại Mỹ thông báo trong quý 2 năm 2021, GDP của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý 1 năm nay, mức tăng GDP là 6,3%.
Dù tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn chậm hơn mức dự đoán 8,5% của nhiều nhà kinh tế học, nhưng đây vẫn là mức tăng nhanh nhất kể từ mùa thu năm 2020, theo Đài CNN.
Hãng tin AP bình luận mức tăng 6,5% trên là một dấu hiệu khác cho thấy Mỹ đã có được sự phục hồi duy trì liên tục, sau tình trạng suy thoái do đại dịch COVID-19. Tuần trước, Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) cho biết kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái bắt đầu từ tháng 2-2020 và kết thúc vào tháng 4-2020.
Theo Hãng tin Reuters, các nhà kinh tế học dự đoán tăng trưởng của Mỹ trong năm 2021 đạt khoảng 7% - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1984.
3. Nhiều quốc gia châu Âu công bố báo cho thấy mức lạm phát ở khu vực này đang ở ngưỡng cao kỷ lục trong thập kỷ qua.
Cơ quan Thống kê liên bang Đức ngày 29/7 cho biết giá hàng hoá, dịch vụ nước này đang ngày càng gia tăng và lần đầu tiên trong 13 năm qua, tỷ lệ lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã vượt 3%. Trong tháng 7 này, tỷ lệ lạm phát đã lần đầu vượt 3% kể từ tháng 8/2008, trong đó giá tiêu dùng cao hơn 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Lần gần đây nhất, tỷ lệ lạm phát vượt 3% là giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tại Pháp, lạm phát cũng vượt ngưỡng 2.5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2020.
Trong chiến lược chính sách tiền tệ mới đưa ra ngày 7/7 vừa qua, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã cho phép lạm phát vượt mức mục tiêu 2% "trong một khoảng thời gian" nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đặc biệt là hỗ trợ các nước nợ nần nhiều như Italy. Tuy nhiên, đối với người lao động, lạm phát gia tăng đồng nghĩa với việc sụt giảm sức mua.
4. Đồng tiền mã hóa điện tử Bitcoin đã bất ngờ tăng giá mạnh trở lại sau khi có tin đồn lan ra rằng Amazon sẽ chấp nhận nó làm phương tiện thanh toán.
Ngay đầu giờ sáng 26/7, giá Bitcoin đã tăng rất mạnh. Theo ghi nhận trên trang Coinmarketcap, có những thời điểm, giá Bitcoin gần cán mốc 40.000 USD (khoảng 900 triệu VND), tăng hơn 5000 USD chỉ trong 2 ngày. Đây là lần đầu tiên Bitcoin đạt tới mức giá này kể từ thời điểm giữa tháng 5. Việc Bitcoin tăng giá mạnh đã phá vỡ thế đóng băng suốt một thời gian dài và khiến cả thế giới tiền mã hóa có dấu hiệu khởi sắc.
Ngay sau đó lãnh đạo Amazon đã lên tiếng phủ nhận tin đồn này. “Bất chấp những mối quan tâm của chúng tôi ở thị trường này, những suy đoán sau đó xoay quanh kế hoạch cụ thể về tiền mã hóa là không đúng sự thật. Chúng tôi vẫn đang tập trung khai phá những thứ cho trải nghiệm mua sắm của khách hàng trên Amazon”, đại diện Amazon nói với Reuters.
Tuy nhiên đồng Bitcoin vẫn giữ ở mức cao là hơn 39.000 USD tính đến ngày 30/07. Các đồng tiền khác như Ethereum, Ripple hay Binance cũng đều ở mức cao nhất trong tháng này.
5. Thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tuần này chao đảo và giảm cực kỳ mạnh do các chính sách trấn áp công ty mạnh tay từ chính phủ.
Trong ba phiên giao dịch liên tiếp từ 26/07 đến 28/07, cổ phiếu các công ty ngành công nghệ và giáo dục đã giảm không phanh, trong khi cổ phiếu bất động sản cũng lao dốc. Tập đoàn công nghệ Tencent Holdings mất 10%, sau khi mảng kinh doanh âm nhạc của công ty này ngừng dịch vụ streaming và nhận án phạt. Cổ phiếu Meituan, công ty đứng sau một ứng dụng giao đồ ăn, cũng giảm 18%, ghi nhận mức giảm kỷ lục, sau khi đã mất 14% ở phiên ngày hôm qua.
Chỉ số Hang Seng Tech ở thị trường Hồng Kông sụt 10% và xoá sạch mọi mức tăng sau 1 năm chính thức ra mắt. Trong khi đó, Hang Seng Index cũng chìm trong sắc đỏ. CSI 300 mất 4%.
Lãnh đạo Trung Quốc đã siết chặt quy định đối với một số lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ nhất của nền kinh tế, bao gồm cả giáo dục và công nghệ. Bắc Kinh đang nỗ lực kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân được cho là làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, làm gia tăng rủi ro tài chính và thách thức quyền lực của chính phủ. Điều này đã khiến tâm lý nhà đầu tư rung chuyển trong tháng vừa qua.