1. Trang chủ /
  2. Bạo lực hẹn hò - cách hiểu mới về một câu chuyện cũ

Bạo lực hẹn hò - cách hiểu mới về một câu chuyện cũ

chủ nhật, 18/9/2022 10:42 GMT+07
Câu chuyện bạo lực gia đình và hệ quả của nó vốn không còn xa lạ với xã hội ngày nay. Nhưng trên thực tế, tình trạng bạo lực không chỉ xuất hiện trong gia đình mà còn trong giai đoạn hẹn hò, nhất là ở các bạn trẻ.
Triễn lãm “Dây tơ hồng - Buộc hay cắt” về bạo lực hẹn hò.

Những con số biết nói

Hồi tháng 7/2022, mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài hơn 1 phút, ghi lại hình ảnh nam thanh niên hành hung, đấm đá dã man một cô gái trong tiệm spa tại Đà Nẵng. Cụ thể, thấy cô gái đang ngồi tại bàn lễ tân thanh niên liền lao tới đấm đá liên tiếp vào người nạn nhân. Bị tấn công bất ngờ, cô gái chỉ biết ôm đầu, kêu la thảm thiết. Ngay sau khi vụ việc được đăng tải, công an địa phương đã xác định danh tính đối tượng, xử lý vụ việc. Theo lời khai của nghi phạm, do bị bạn gái chấm dứt tình cảm nên đối tượng đã nhiều lần đe doạ, đến nơi làm việc của bạn gái cũ và hành hung nạn nhân dã man.

Trước đó, trên mạng xã hội cũng từng xuất hiện bài đăng của một chàng trai tố bị người yêu bạo hành cảm xúc suốt quá trình yêu đương. Trong bài đăng, anh chia sẻ hàng loạt tin nhắn khủng bố tinh thần của cô người yêu, với những ngôn từ cực đoan, tồi tệ chỉ vì những lý do không đáng như đón muộn, đi chơi không xin phép, trả lời tin nhắn chậm,… Kinh khủng hơn cả là khi ghen tuông, cô người yêu thậm chí còn nhắn tin làm phiền cả bạn bè, gia đình anh, bắt họ trả lời “mười vạn câu hỏi vì sao” nhằm điều tra người yêu. Sau khoảng thời gian dài bị khủng bố, anh quyết định chia tay nhưng vẫn liên tục bị quấy rối, đe dọa. “Cực chẳng đã” anh mới phải nhờ tới cộng đồng mạng giúp đỡ.

Trên đây là hai trong số vô vàn sự việc bạo lực hẹn hò đã và đang diễn ra trong xã hội ngày nay. Thực tế chỉ có rất ít sự việc được đưa ra trước công chúng, những sự việc đó chỉ là tảng băng nổi của vấn nạn trên. Bên dưới phần nổi của tảng băng là nơi có rất nhiều sự việc tương tự diễn ra hàng ngày, hàng giờ với các cấp độ, hình thức khác nhau. Ở đó có nhiều nạn nhân đã thoát khỏi bạo lực và chọn cách im lặng, nhưng cũng còn rất nhiều trường hợp nạn nhân âm thầm chịu đựng và rơi vào “vòng tròn” bạo lực cả về thể xác và tinh thần kéo dài.

Thực tế đã có nhiều khảo sát chỉ ra rằng vấn nạn trên có tồn tại trong xã hội, nhất là ở các bạn trẻ. Theo khảo sát của “Nhóm Thanh niên làm việc về bình đẳng giới”, trong số 347 thanh, thiếu niên được khảo sát, 64% đã từng trải qua bạo lực hẹn hò theo nhiều dạng thức khác nhau như bạo lực thể chất (bóp cổ, đấm đá,…); cưỡng ép quan hệ tình dục, ngược đãi tâm lý cảm xúc hoặc lợi nói, kiểm soát thông tin cá nhân, đeo bám - dọa nạt đánh đập, thậm chí là dọa giết nếu dám chia tay.

Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi nhóm Y.Change (một nhóm bạn trẻ hoạt động về giới tại Hà Nội) khi khảo sát thực tế với 569 bạn nữ ở lứa tuổi từ 18-30 đã đưa ra kết quả khá bất ngờ. Gần 59% người được hỏi cho biết đã từng chịu bạo hành về mặt tinh thần, 23% từng bị quấy rối và bạo hành qua mạng, 24% từng là nạn nhân của quấy rối và đeo bám sau khi chia tay. Hậu quả là 21% trong số người được hỏi từng bị tổn thương về thể xác hoặc tinh thần, thậm chí, hơn 6% trong số đó đã từng muốn tự tử.

Những con số biết nói trên đây đã phản ánh sự thật của vấn nạn bạo lực hẹn hò tại Việt Nam. Sở dĩ nó vẫn luôn tồn tại và mang theo những hệ quả không thể lường trước. Đã có rất nhiều vụ án đau lòng xuất phát từ bạo lực hẹn hò. Bị hành hung vì không nối lại tình cảm; cô gái bị đâm, chém vì không yêu; phóng hoả đốt nhà bạn trai vì nghi ngờ ngoại tình;… Giờ đây ranh giới giữa tình yêu và bạo lực là vô cùng mong manh, nó có thể diễn ra với bất kỳ ai, bất kỳ giới tính, độ tuổi, tầng lớp nào và ở bất kỳ đâu,… đến mức chính những người trong cuộc không nhận ra được mình đang trong một mối quan hệ bạo lực hẹn hò.

Cách hiểu mới về một câu chuyện cũ

Tại Việt Nam, ngoài khái niệm bạo lực gia đình đã quá quen thuộc thì bạo lực hẹn hò cũng không phải là một khái niệm mới, nó đã xuất hiện từ năm 2016. Thế nhưng, nếu như “bạo lực gia đình” được mọi người nhắc tới nhiều thì bạo lực hẹn hò nghe còn khá mới mẻ và xa lạ. Dẫu cho bạo lực hẹn hò vẫn đang tồn tại hàng ngày nhưng lại được ít người để ý tới. Khi nghe đến câu bạo lực hẹn hò không ít người cảm thấy ngạc nhiên và lạ lẫm với khái niệm này. 


Ảnh minh họa

Khái niệm bạo lực hẹn hò được nhóm Y.Change (do Fund for Gender equality của UN Women và IWRAW Asia Pacific hỗ trợ) đưa ra lần đầu vào năm 2015 thông qua nghiên cứu qua mạng về bạo lực cặp đôi. Với sự hỗ trợ của UN Women, nhóm Y.Change đã tiến hành nghiên cứu về các quy định luật pháp và thực hiện nghiên cứu về bạo lực hẹn hò. Theo đó, bạo lực hẹn hò là khi một bên thể hiện quyền lực và sự kiểm soát đối với bên kia bằng việc gây ra hoặc đe dọa gây ra hành vi bạo lực trong một cặp đôi đang trong thời gian tìm hiểu và chưa kết hôn.

Trưởng nhóm – chị Nguyễn Thị Phương Thanh chia sẻ: “Ở Việt Nam mọi người thường chỉ nói đến bạo lực gia đình, còn bạo lực hẹn hò chưa bao giờ được nhắc tới và chưa có một nghiên cứu chính thức về vấn đề này. Trước đây, cũng có nghiên cứu tập trung vào hình thức bạo lực thể xác và bạo lực tình dục, còn những bạo lực khác không liên quan đến thân thể vẫn chưa được ghi nhận và được nghiên cứu đầy đủ. Muốn chấm dứt bạo lực gia đình, chúng ta phải giải quyết từ gốc, nghĩa là phải chấm dứt được bạo lực hẹn hò. Mục tiêu của nghiên cứu là kêu gọi giới trẻ thay đổi nhận thức, hành vi xấu”.

Qua nghiên cứu, Y.Change đã chỉ ra 7 loại bạo lực hẹn hò, thường thấy nhất là bạo lực thể xác bằng cách tác động vật lý với ý định làm tổn thương hoặc gây ra thiệt hại trên thân thể của người yêu (tát, cắn, xô đẩy, cào cấu, bóp cổ, đấm, đá, rứt tóc… ) và bạo lực tinh thần bằng những lời nói, ngôn ngữ, hành vi được dùng với ý định làm tổn thương hoặc gây ra thiệt hại đến tinh thần, danh dự của người yêu. 

Trong bạo lực thể xác, những hành vi bạo lực gây thương tích nặng như: bóp cổ, dùng vũ khí... thường do nam giới gây ra nhiều hơn cho người yêu. Với các dạng bạo lực gây thương tích nhẹ như cấu, tát, cắn, ném đồ là do các bạn nữ gây ra cao gần gấp 2 lần… Đặc biệt, đáng chú ý là nam và nữ đều bị bạo lực tinh thần ngang nhau, với các hành vi: kiểm soát, ghen tuông; tỏ ra coi thường, xúc phạm người yêu, gia đình người yêu;…

Tiếp đó là bạo lực kinh tế, dùng kinh tế để ép buộc, cưỡng chế nhằm mục đích khiến người yêu bị phụ thuộc, không còn khả năng độc lập. Bạo lực tình dục với những hành vi ép buộc, quấy rối nhằm mục đích thực hiện hành vi tình dục khi chưa có sự đồng ý của người yêu (dùng bạo lực để ép quan hệ, quay chụp trộm,…). Nhiều trường hợp, nạn nhân sau khi bị quay phim, chụp trộm đã bị đối tượng đe doạ nếu không nghe lời hoặc chia tay sẽ bị đăng tải lên mạng xã hội. 

Xuất hiện nhiều trong giới trẻ chính là bạo lực công nghệ thông tin, gồm có những hành vi kiểm soát sự tương tác trên mạng xã hội của người yêu (lấy mật khẩu tài khoản mạng xã hội của người yêu, giới hạn liên hệ, ép xóa số điện thoại, kiểm tra nội dung cá nhân, đọc trộm tin nhắn,…). Và cuối cùng là đeo bám sau chia tay, những hành vi truy đuổi dai dẳng, kể cả ngoài đời thật và trên mạng xã hội, nhằm khiến người yêu cũ phải quay lại với mình, đây cũng là loại bạo lực gây ra nhiều hệ quả không ngờ tới nhất.

Cho đến nay, nhờ những hoạt động chia sẻ kiến thức liên quan đến thực trạng quấy rối tình dục, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực mà khái niệm bạo lực hẹn hò đang đến gần hơn với công chúng. Để thay đổi nhận thức về vấn đề này, nhiều tổ chức, hội nhóm đã xây dựng những dự án với các buổi tuyên truyền, công bố số liệu khảo sát,... Đặc biệt hơn bạo lực hẹn hò còn được đưa lên những loại hình tuyên truyền khác nhau như sân khấu kịch tương tác, phim ngắn, truyện tranh, triển lãm… Những loại hình tuyên truyền mới mẻ giúp đưa khái niệm bạo lực hẹn hò tiếp cận đến nhiều đối tượng hơn, nhất là giới trẻ.

Hiện nay, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, xã hội đang lên tiếng và chống lại bạo lực hẹn hò một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để hạn chế vấn nạn này triệt để, mỗi người cần phải trang bị những kỹ năng để bình tĩnh xử lý tình huống, giải quyết khúc mắc và tôn trọng lẫn nhau trong tình yêu để các hành vi bạo lực hẹn hò không nên được sử dụng, hay xảy ra trong một mối quan hệ yêu đương.