Báo Pháp luật Việt Nam được trao Giải A Búa liềm vàng năm 2023
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 6 giải A, 12 giải B, 18 giải C, 30 giải Khuyến khích.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải. Nhà báo Lương Thị Vân Anh, Báo Pháp luật Việt Nam, tác giả loạt bài 5 kỳ “Kiểm soát quyền lực trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, được vinh danh trong nhóm tác giả này.
Chia sẻ về loạt bài, nhà báo Lương Thị Vân Anh cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan Nội chính là lực lượng chủ công, tiên phong trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Lực lượng này được ví như “thanh bảo kiếm”, “lá chắn thép”, “Bao Công thời đại mới” để duy trì kỷ luật, kỷ cương của xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ, góp phần hiện thực hoá và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hành vi như dọa dẫm, nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm; bao che, cố tình đưa ra những kết luận sai lệch, nhận quà để làm giảm mức độ sai phạm; cố tình làm trái các quy định pháp luật, bỏ lọt vi phạm, làm sai lệch hồ sơ... đã được phát hiện và xử lý. Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam cùng các phóng viên của Báo tặng hoa chúc mừng nhà báo Lương Thị Vân Anh. Ảnh: Triệu Oanh
Theo nhà báo Lương Thị Vân Anh, những vấn đề đặt ra trong loạt bài không chỉ phản ánh thực trạng nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận mà còn nhằm tìm kiếm những câu trả lời, những giải pháp hữu hiệu cả trước mắt và lâu dài để giải quyết căn bản vấn đề, đó là kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh.
“Các chuyên gia chỉ ra, lựa chọn cán bộ vẫn là cái gốc. Lựa chọn trúng cán bộ “đúng vai, thuộc bài” sẽ đảm bảo thành công cho thực hành văn hóa liêm chính khi thừa hành công vụ. Cùng với đó, bên cạnh tuyên truyền, giáo dục, cần phải hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người kiểm soát phải được kiểm soát; người thực thi quyền lực phải được kiểm soát quyền lực”, tác giả nói.
Đặc biệt, nhà báo Lương Thị Vân Anh cho biết, Quy định 114-QĐ/TW “Về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” mà Bộ Chính trị ban hành ngày 11/7/2023 được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố “lồng cơ chế” đủ kín, đủ mạnh; giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Nhà báo Lương Thị Vân Anh tin tưởng và kỳ vọng loạt bài sẽ đóng góp một tiếng nói, hiến kế cho Đảng và Nhà nước một giải pháp sát thực tế để thúc đẩy nhanh hơn quá trình giải quyết vấn đề; củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự kiên quyết, kiên trì trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.