1. Trang chủ /
  2. Bảo vệ môi trường sống từ "văn hóa" xử lý rác thải tại nguồn

Bảo vệ môi trường sống từ "văn hóa" xử lý rác thải tại nguồn

thứ bảy, 12/8/2023 16:29 GMT+07
Hình ảnh những thùng rác sơn khác màu, dành cho ba loại rác vô cơ, hữu cơ và tái chế khác nhau đã trở nên quen thuộc với người nông dân huyện Đan Phượng (Hà Nội). Một số chương trình phân loại rác tại nguồn đã được thí điểm triển khai khá hiệu quả, hình thành văn hóa sống xanh cho cộng đồng, góp phần làm giảm chi phí sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường nông thôn.
Các thùng phân loại rác được đặt trong khu dân cư.

Thí điểm thành công tại nhiều xã

Ông Đào Quang Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Xuân cho biết, năm 2022, Hội nông dân xã đã phối hợp với các cụm dân cư, chỉ đạo các chi hội tiến hành khảo sát và lựa chọn được 3 chi hội thực hiện mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình”. Có 50 hộ hội viên nông dân đăng ký tham gia. Các hộ cũng đăng ký thực hiện việc xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp, trang trại cây ăn quả, ngoài đồng ruộng thành phân bón hữu cơ.

Khi triển khai thí điểm trên 50 hộ, sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri đã cho hiệu quả rõ rệt, làm giảm đáng kể mùi hôi, thối, hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi; đồng thời rác thải được xử lý tận dụng thành nguồn phân bón hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, thân thiện với môi trường.

Các thùng phân loại rác được đặt trong khu dân cư.

“Các hộ tham gia đã thực hiện ngay trong khu vực trang trại chăn nuôi, trồng trọt và trên ruộng sau khi thu hoạch. Việc xử lý được trên rơm rạ, rau màu, cỏ dại, tương đương với 1ha diện tích trồng trọt, chăn nuôi. Với số lượng trên sau khi được xử lý đã thu được từ 2,5 - 3 tấn phân hữu cơ hoai mục. Lượng phân bón này đã được các hộ sử dụng để bón cho cây trồng giúp cho đất tươi xốp, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tăng năng suất và giảm được từ 30-40% lượng phân vô cơ bón cho cây trồng so với khi không có phân hữu cơ, đồng thời giúp giảm chi phí cho người nông dân”, ông Đào Quang Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Xuân cho biết.

Tại xã Đồng Tháp, sau khi triển khai thí điểm tại 50 hộ, các hộ đều nhận thức được tác hại của ô nhiễm môi trường, đồng thời thấy được lợi ích của việc xử lý rác thải tại nguồn. Ông Nguyễn Ngọc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tháp cho biết, đa số các hộ đã chủ động thực hiện xử lý môi trường bằng chế phẩm Sumitri. Theo kết quả điều tra trước khi triển khai mô hình, thành phần rác hữu cơ chiếm 70-80% lượng rác thải của các hộ đưa ra môi trường hàng ngày. Do vậy việc phân loại rác hữu cơ và dùng chế phẩm Sumitri đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí trong việc vận chuyển và xử lý rác thải.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho hay, khu vực tham gia mô hình còn có nhiều diện tích trũng, thường xuyên bị ngập vào mùa mưa, một số hộ áp dụng mô hình ngoài trang trại, cánh đồng sản xuất, khó khăn cho công tác kiểm tra và theo dõi. “Mô hình hiện được triển khai ở quy mô 2 chi hội, do đó quy mô cần được mở rộng, đồng thời cần hỗ trợ bổ sung thêm chế phẩm và kinh phí đầu tư thùng rác để bảo quản, sử dụng”, ông Nguyễn Ngọc Cường cho biết.

Tại xã Trung Châu, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trung tâm phát triển và hội nhập tổ chức 2 lớp tập huấn về phân loại và xử lý rác thải cho các hộ tham gia thí điểm. Sau khi “cầm tay chỉ việc”, cán bộ hội và nông dân đã bắt tay vào việc, làm đúng quy trình. Mỗi gia đình tự phân loại rác vào các thùng riêng. Rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng; các loại rác tái chế được thực hiện mô hình “đổi rác thải lấy cây xanh”; rác thải còn lại được tập kết theo quy định.

Hố ủ rác hữu cơ tại vườn hộ nông dân.

Ông Nguyễn Văn Hảo, Chi hội trưởng Chi hội 5 cho biết: “Sau khi được tập huấn hướng dẫn, gia đình tôi có vườn rộng nên đào hố rác ngoài góc vườn, toàn bộ rác hữu cơ là những vỏ cây, lá cây, quả, rau xanh hỏng được ủ với men vi sinh. Sau 40-45 ngày gia đình có một lượng phân bón cho cây trồng rất tốt. Cách làm này thân thiện với môi trường, tiết kiệm được nhiều chi phí so với trước đây”.

Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Châu đề nghị: “Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới đề nghị các cấp hội nông dân tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, sơ kết đánh giá hiệu quả việc thực hiện mô hình, nhân rộng ra các chi hội, nhằm từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên và người dân trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần tích cực vào thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”.

Hiệu quả “kép” từ phân loại rác

Rác thải luôn là vấn đề nóng, gây bức xúc ở nhiều địa phương. Lượng rác chôn lấp khá lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đến định hướng phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân. Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước có nhiều nỗ lực tăng cường công tác quản lý nhà nước trong xử lý chất thải rắn đô thị. Nhiều địa phương cũng đã đầu tư, ban hành nhiều chính sách để xây dựng những dự án phân loại rác sinh hoạt từ đầu nguồn thải.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác thải tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý. Phân loại rác thải tại nguồn sẽ cho rác thải bao bì một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, trong năm nay, Hội sẽ mở rộng mô hình ra các xã Thọ An, Hạ Mỗ, Liên Hồng, Phương Đình,… đồng thời phối hợp với Trung tâm Cộng đồng CID tập huấn, hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” để các hộ nông dân có thể tự làm chế phẩm IMO từ cám gạo, men, sữa chua, bia chuối, dứa… có sẵn phục vụ xử lý rác thải tại nguồn.

Trước đó, trong năm 2022, Hội Nông dân huyện đã triển khai thí điểm mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình làm phân hữu cơ bằng chế phẩm Sumitri tại một số xã. Trong đó mỗi xã có 50 hộ hội viên nông dân đăng ký tham gia, hầu hết các hộ đều đăng ký xử lý rác thải hữu cơ tại nhà với quy mô mỗi hộ thực hiện là 500m; tập trung chủ yếu vào xử lý rác sinh hoạt, rác thải hữu cơ dư thừa sau khi sử dụng và canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, các hộ cũng đăng ký thực hiện việc xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp, trang trại cây ăn quả, ngoài đồng ruộng thành phân bón hữu cơ.

Kết quả thí điểm thu được rất tích cực, giúp làm giảm đáng kể mùi hôi, thối, hạn chế sự ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi. Rác thải được xử lý tận dụng thành nguồn phân bón hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, sau khi thực hiện việc thu gom, phân loại rác tại nguồn, nhìn chung các hộ tham gia mô hình đều nhận thức được tác hại của ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng thấy được lợi ích của việc xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học trong việc xử lý rác.

Theo kết quả điều tra trước khi triển khai mô hình, thành phần rác hữu cơ chiếm 70-80% lượng rác thải của các hộ đưa ra môi trường hàng ngày. Do vậy, việc phân loại rác thải hữu cơ và sử dụng chế phẩm Sumitri đã góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời tiết kiệm chi phí trong việc vận chuyển và xử lý rác của Nhà nước.

“Chính vì vậy, Hội Nông dân huyện nhân rộng mô hình để giúp cho người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức và chủ động trong việc thu gom, phân loại, xử lý các loại rác thải ngay tại hộ gia đình, giảm lượng rác thải ra môi trường”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết.

Để duy trì tốt mô hình, Hội Nông dân huyện Đan Phượng sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn cho các thành viên tham gia nâng cao kiến thức chuyên môn quản lý môi trường. Đồng thời mỗi thành viên tổ tự quản phải là tấm gương trong bảo vệ môi trường tại địa bàn mình để lan tỏa tới nhiều hộ dân khác.

Hội Nông dân huyện Đan Phượng thường xuyên tổ chức tập huấn tập huấn, hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” để các hộ nông dân có thể tự làm chế phẩm IMO phục vụ xử lý rác thải tại nguồn.

Theo ông Thiều Văn Son, rác thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không dùng được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. Việc xử lý rác thải là một vấn đề khách quan và cần thiết trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của con người. Nó làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ việc sinh hoạt và sản xuất của con người. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng trở thành một vấn đề vô cùng nghiêm trọng không chỉ bởi người dân và một số cơ sở thường xuyên xả các loại nước thải ra môi trường mà còn là do rác thải gây ô nhiễm nguồn nước gây ra.

Ý thức của con người là yếu tố quyết định đến việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như phân loại rác thải. Thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác - bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/ thùng rác mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người. Vì vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, nó sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.

“Do vậy, chúng ta nên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình để việc xử lý rác thải được dễ dàng hơn. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng nhấn mạnh.