1. Trang chủ /
  2. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Tự do ngôn luận không thể 'đứng trên, đứng ngoài' luật pháp

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Tự do ngôn luận không thể 'đứng trên, đứng ngoài' luật pháp

thứ ba, 13/6/2023 23:46 GMT+07
Trên thế giới, không có quốc gia nào cho phép tự do ngôn luận “đứng trên, đứng ngoài” luật pháp và xâm hại đến an ninh quốc gia. Mọi quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận, tự do Internet đều phải có giới hạn nhất định. Giới hạn này đặt ra để bảo đảm quyền tự do chính đáng cho số đông mọi người.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quyền tự do của mỗi người phải gắn với lợi ích chung của cộng đồng

Thế giới ngày nay đang chứng kiến và thụ hưởng những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Internet đang thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của từng con người, từng gia đình, rộng hơn là của xã hội và toàn thế giới. Khi lượng truy cập internet trên toàn thế giới tăng, số lượng người dùng mạng xã hội (MXH) cũng tăng. MXH được đánh giá là một công cụ hữu hiệu, mở ra rất nhiều cơ hội cho các quốc gia chủ động xây dựng và củng cố những giá trị cốt lõi của quốc gia nhằm mang lại những giá trị về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa nhân văn truyền thống.

Tuy nhiên, MXH là trang thông tin mở, các hình ảnh, video, clip, bài viết, tin tức… do chính các thành viên tự sáng tạo ra. Càng nhiều người sử dụng những thông tin trên MXH thì MXH càng trở thành kho lưu trữ nội dung khổng lồ, trong khi việc thực hiện giám sát, kiểm duyệt nội dung, chất lượng những thông tin trên MXH hiện nay còn hạn chế, hầu như phụ thuộc vào trình độ nhận thức, quan điểm của mỗi người tham gia chia sẻ với nhau. Hầu hết các quốc gia đều nhận thức được xu thế phát triển và tầm quan trọng của Internet trong kỷ nguyên thông tin đối với sự phát triển xã hội và đều có những chính sách phù hợp để khai thác thế mạnh của Internet phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cần khẳng định rằng, tự do ngôn luận, tự do Internet là cần thiết cho cuộc sống, là một biểu hiện cho tiến bộ, là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhưng tự do ngôn luận, tự do Internet chưa bao giờ và không bao giờ là tự do chung chung, tự do vô bờ bến. Theo thực tế pháp lý ở tất cả các quốc gia trên thế giới, vấn đề có tính nguyên tắc là tự do luôn gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi luôn gắn liền với nghĩa vụ. Mối quan hệ phổ biến này nhằm mục tiêu chính đáng và khách quan là bảo đảm cho tự do của mỗi người không làm mất đi hay ảnh hưởng tiêu cực đến tự do của người khác và của cộng đồng.

Đây cũng chính là nguyên tắc căn bản mà Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp quốc đã khẳng định mạnh mẽ. Trên thực tế, không riêng ở Việt Nam, mà hầu hết các quốc gia tuy có cách tiếp cận không giống nhau về quyền tự do ngôn luận nhưng đều có một nguyên tắc cơ bản là việc thực thi quyền tự do ngôn luận phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa, trình độ dân trí, thể chế chính trị của mỗi nước và không được phép lợi dụng quyền cơ bản này để xâm hại lợi ích quốc gia - dân tộc, làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác và ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức cộng đồng, trật tự xã hội.

Nhận diện những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt

Sau 37 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một “điểm sáng” tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường luôn là sức mạnh nội sinh cho đất nước đạt được những thành tựu kinh tế vô cùng ấn tượng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, các lực lượng phản động, thù địch thường dùng luận điệu “phản biện xã hội”, đấu tranh vì “dân chủ, nhân quyền”, xây dựng “xã hội dân sự”, vấn đề chủ quyền, lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, nhất là các hoạt động lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet… để xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng, thái độ thù địch; bôi nhọ hình ảnh, uy tín đất nước.

Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn - nguyên Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương - trong bài viết “Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian MXH hiện nay” cho biết, để tuyên truyền những quan điểm sai trái, thù địch, các thể lực phản động, thù địch đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn, phương thức, ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc và nguy hiểm hơn, có tác động đến mọi tầng lớp xã hội. Nội dung, bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch là tấn công, đả kích trực diện nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giả danh mác xít, “giả khoa học” để tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận những thành tựu to lớn đã đạt được của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế...

PGS.TS Bùi Đình Bôn nhấn mạnh, các thế lực thù địch viết bài phát tán trên không gian MXH nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để thông qua các đối tượng này trực tiếp phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

Đáng chú ý, có thể thấy rằng, những năm gần đây, khi đánh giá về tự do ngôn luận, báo chí và Internet ở Việt Nam, một số quốc gia và tổ chức quốc tế vẫn có cái nhìn khá tiêu cực; các bảng xếp hạng tự do báo chí, Internet phổ biến trên thế giới vẫn đánh giá Việt Nam tương đối xấu. Bên cạnh đó, số phản động lưu vong và chống đối chính trị gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; cung cấp thông tin sai lệch, vận động chính giới các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp, gây sức ép với Việt Nam về nhân quyền...

Thực tế không thể chối cãi

Những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian MXH là không thể chấp nhận được bởi có thể khẳng định, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn.

Đối với quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, Internet, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định (Điều 25). Trên tinh thần Hiến pháp 2013, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2017 và các văn bản dưới luật đã được xây dựng, thông qua và tổ chức thực hiện với nhiều điểm mới, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong bảo đảm các quyền liên quan của công dân, của mọi người. Các nỗ lực và kết quả đạt được của Nhà nước Việt Nam đã được các thiết chế nhân quyền quốc tế như Ủy ban Nhân quyền (HRC), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc ghi nhận, đánh giá cao trong các kỳ bảo vệ báo cáo quốc gia theo các Công ước.

Tại Việt Nam, mọi người dân đều có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua Internet, nhất là qua MXH. Đó là những minh chứng sống động của việc Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin, tự do Internet. Những thành tích của Việt Nam về Internet trong những năm qua cũng rất ấn tượng và thực tiễn phong phú của hoạt động báo chí, xuất bản ở trong nước cũng như kết quả nâng cao việc hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân đã thể hiện rõ điều đó.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động...”. Để nhận diện, giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, bảo vệ hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, các cơ quan chức năng cần tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư của cán bộ, đảng viên và nhân dân để có giải pháp tháo gỡ kịp thời; đề xuất giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Làm rõ những khó khăn, vướng mắc, từ đó tham mưu kịp thời, trúng và đúng cho cấp ủy, chính quyền các cấp, không để nảy sinh những phức tạp ngay từ cơ sở, từ sớm, từ xa.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do Internet chống phá Việt Nam. Với tinh thần Chính phủ kiến tạo, các địa phương cần chủ động và làm tốt hơn công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Luật Báo chí và Nghị định 09/2018/NĐ-CP và quyền được tiếp cận thông tin của người dân quy định tại Luật Tiếp cận thông tin.

Đặc biệt, người sử dụng MXH cần có thái độ ứng xử phù hợp với Internet và MXH. Cần quán triệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mà Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nghiên cứu và ban hành; các địa phương có thể căn cứ vào Bộ Quy tắc này để áp dụng hoặc xây dựng bộ quy tắc của riêng mình như cách Hà Nội, Cần Thơ, TP HCM đã làm. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...