1. Trang chủ /
  2. “Báu vật hoàng cung Thăng Long” tái hiện nổi bật những giá trị tinh hoa

“Báu vật hoàng cung Thăng Long” tái hiện nổi bật những giá trị tinh hoa

thứ sáu, 9/9/2022 08:29 GMT+07
(PLM) - "Bằng phương pháp diễn giải hiện đại, sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ trình chiếu 3D mapping, kết hợp phương pháp tĩnh và động, trưng bày đã tái hiện và làm nổi bật những giá trị, tinh hoa trong lòng đất, tạo hiệu ứng hấp dẫn, giúp công chúng cảm nhận tận cùng vẻ đẹp độc đáo, riêng có của những báu vật hoàng cung". Đồng chí Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định trong lễ khai mạc trưng bày “Báu vật hoàng cung Thăng Long” và các hoạt động kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản thế giới (1972 - 2022) tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội tối 8/9.
Các vị đại biểu tham dự lễ khai mạc Trưng bày "Báu vật hoàng cung Thăng Long"

Đến dự buổi lễ, về phía đại biểu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy; Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Đại diện Trung tâm Di sản thế giới, phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Nao Hayashi; Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) Marie Laure Lavenir; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart… cùng đông đảo các khách mời quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học và công chúng Thủ đô.

Những báu vật nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội

Phát biểu khai mạc Trưng bày, đồng chí Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận định: Những phát hiện khảo cổ học đột phá tại 18 Hoàng Diệu năm 2002, đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long - Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử.

Từ những nhát cuốc đầu tiên đầy cẩn trọng nhưng cũng tràn đầy hy vọng, các nhà khảo cổ học đã mở ra những trang sử bất ngờ trong lòng đất. Một quần thể di tích đồ sộ xuất lộ cùng hàng triệu di vật được tìm thấy, là những báu vật nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội và trở thành tài sản vô giá của nhân loại.

Đồng chí Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc Trưng bày

Cùng với Hội thảo khoa học quốc tế vừa được long trọng khai mạc trong ngày hôm nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức trưng bày “ Báu vật Hoàng cung Thăng Long”- hoạt động thiết thực hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO (công ước 1972) để giới thiệu tới công chúng các hiện vật đặc sắc, chủ yếu là các đồ dùng, vật dụng trong đời sống hoàng cung, trong đó có nhiều đồ gốm cao cấp dành cho nhà vua và hoàng hậu.

Đây là nhóm hiện vật tiêu biểu, đại diện sáng giá cho các vương triều từ Lý, Trần, Lê sơ, Mạc đến Lê Trung hưng.


Bằng phương pháp diễn giải hiện đại, sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ trình chiếu 3D mapping, kết hợp phương pháp tĩnh và động, trưng bày đã tái hiện và làm nổi bật những giá trị, tinh hoa trong lòng đất, tạo hiệu ứng hấp dẫn, giúp công chúng cảm nhận tận cùng vẻ đẹp độc đáo, riêng có của những báu vật hoàng cung.

Các vị đại biểu cắt băng khai mạc Trưng bày

Những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất này đã khai quật hai thập kỷ qua là cả chặng đường nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học để từng bước nghiên cứu, đánh giá, tìm hiểu giá trị di sản và bảo tồn lâu dài cho thế hệ mai sau, đồng thời cũng là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhìn lại những thành quả đã đạt được và xác định những bước đi cho tương lai.

Hiện vật trưng bày

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động trải nghiệm, trưng bày, diễn giải di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như Chương trình Vui tết Trung Thu, Phỏng dựng hình ảnh kiến trúc cung điện thời Lê tại Hoàng thành Thăng Long, Không gian checkin-studio ảo tại Cổng Đông thời Nguyễn... cũng là những hoạt động thể hiện sự tìm tòi sáng tạo, hướng đến du khách được công chúng đánh giá cao.


Đồng chí Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu, khu di sản Hoàng thành Thăng Long có thể là địa chỉ đi đầu trong việc tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo văn hóa, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật đương đại, kết nối di sản với cộng đồng và giới trẻ; Góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2022, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các vị đại biểu tham quan khu trưng bày

Trưng bày gồm bà không gian Không gian giới thiệu các hiện vật thời Lý - Trần; Không gian giới thiệu hiện vật thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và Không gian phía ngoài tạo điểm nhấn với các hiện vật lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng như Chậu đất nung thời Trần có kích thước lớn nhất từ trước đến nay; Mô hình kiến trúc men xanh thời Lê sơ.


Trưng bày giới thiệu thiệu tới công chúng những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ 2002 đến nay, trong đó có một số loại hình đồ gốm sứ tiêu biểu, đặc sắc trong Hoàng cung Thăng Long. Đây là những đồ dùng, vật dụng không thể thiếu, có vai trò rất quan trọng trong đời sống Hoàng cung, từ cuộc sống sinh hoạt thường nhật đến các yến tiệc của nhà vua và triều đình trong các dịp đại lễ, sinh nhật vua, lễ đăng quang của nhà vua…

Ngoài ra, nhiều đồ gốm quý còn được dùng làm đồ tự khí trong các tôn miếu hay được dùng làm đồ vật trang hoàng nội thất của các cung điện, lầu gác nhằm điểm tô vẻ đẹp quyền quý, cao sang của chốn cung đình.


Bên cạnh đó, trưng bày cũng giới thiệu một số loại hình di vật kim loại quý như đồ trang sức, mảnh vàng trang trí trên đồ dùng, vật dụng, thanh gươm cẩn tam khí biểu trưng quyền lực của triều đình hay lệnh bài của triều đình về việc cung nữ xuất cung…

Đây là lần đầu tiên giới thiệu công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng lại những hoa văn độc đáo của hiện vật để khách tham quan nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và tính sang quý của đồ gốm ngự dụng hoàng cung Thăng Long.

Trải nghiệm không gian, không khí Hoàng cung với các bối cảnh đậm chất cổ xưa

Nhằm tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho du khách, góp phần quảng bá giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long và di sản văn hóa Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã cải tạo khu vực Cổng đông, nhà Lục giác thành không gian chụp ảnh, check-in; xây dựng phòng chụp ảnh dựa trên công nghệ trường quay ảo hỗn hợp.

Tại đây, du khách có thể trải nghiệm không gian, không khí Hoàng cung với các bối cảnh đậm chất cổ xưa hay những concept của Hà Nội trong thế kỷ 19 - 20. Du khách cũng có thể chụp ảnh, quay video ngắn với việc tùy chọn các bối cảnh Hoàng thành từ thời Lý, Trần, Lê… để lưu giữ lại những kỷ niệm, dấu ấn của mình với Hoàng thành Thăng Long qua chiều dài lịch sử. Trong không gian này các bạn trẻ cũng có thể chụp những bộ ảnh theo phong cách “xuyên không” độc đáo.

Các em nhỏ trải nghiệm Không gian check-in

Toàn bộ Không gian check-in, chụp ảnh bao gồm: Nhà lục giác: Bên trong nhà lục giác là studio sử dụng công nghệ trường quay ảo hỗn hợp, bao gồm các bối cảnh mang những nét đặc trưng của Hoàng thành Thăng Long qua từng thời đại lịch sử và các bối cảnh di sản thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam như Kinh thành Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn…

Bức tường Hành cung: Không gian bên ngoài dọc theo bức tường bao là địa điểm chụp ảnh, check-in… Đây là khoảng không gian rộng rãi, bao gồm các công trình thời Nguyễn và thời Pháp, ngoài ra còn có cây cối và nhiều tiểu cảnh đẹp như mô hình kiệu, xe kéo, xích lô, xe đạp…

Hành lang kiến trúc Pháp: Không gian hành lang phong cách Indochine, với các cửa sổ, sàn đá hoa theo phong cách Indochine, tạo dấu ấn thâm trầm cổ kính.

Gian hàng Việt phục: Không gian kho dưới hầm nhà N31 cải tạo thành Gian hàng Việt phục, nơi đây sẽ trưng bày nhiều bộ trang phục cổ trang phong phú để phục vụ khách tham quan thuê chụp ảnh…

Với không gian check-in độc đáo này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội hy vọng sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng điểm đến tại Hoàng thành Thăng Long.