1. Trang chủ /
  2. Bên lề chính sử: Hà Nội xưa từng có hồ chứa xác thai nhi

Bên lề chính sử: Hà Nội xưa từng có hồ chứa xác thai nhi

thứ năm, 2/9/2021 08:36 GMT+07
(PLM) -  Hà Nội trong Hà Nội cũ của Doãn Kế Thiện luôn nhuốm màu truyền thuyết, huyền thoại. Nhà văn không đặt nặng yếu tố lịch sử mà đi vào yếu tố văn hóa và dân gian, với những câu chuyện kỳ bí về “ mồ chú Phẩn”, “pháp trường bãi Gáo” hay “vũng Voi Giày”. Đặc biệt, là câu chuyện rùng rợn về “hồ xác trẻ” – một địa điểm mà mỗi khi đêm xuống, người Hà Nội hầu như không dám dám qua lại.

Hà Nội cũ được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn hóa Doãn Kế Thiện, được phát hành lần đầu năm 1943. Đây là một tác phẩm mang đầy dấu tích thời gian, và không thể thiếu đối với những người yêu mến lịch sử Hà Nội. Hà Nội cũ là tập hợp hơn hai mươi mẩu chuyện dân gian về xứ Hà thành. Có thể thấy Hà Nội trong Hà Nội cũ của Doãn Kế Thiện luôn nhuốm màu truyền thuyết, huyền thoại. Nhà văn không đặt nặng yếu tố lịch sử mà đi vào yếu tố văn hóa và dân gian, với những câu chuyện kỳ bí về “ mồ chú Phẩn”, “pháp trường bãi Gáo” hay “vũng Voi Giày”. Đặc biệt, là câu chuyện rùng rợn về “hồ xác trẻ” – một địa điểm mà khi đêm xuống người Hà Nội hầu như không dám qua lại.

Tác phẩm "Hà Nội cũ" của Sở Bảo Doãn Kế Thiện
Tác phẩm "Hà Nội cũ" của Sở Bảo Doãn Kế Thiện

Theo nhà văn Doãn Kế Thiện, hồ xác trẻ xưa là một vũng nước rộng nằm sau phố Ngõ Trạm cũ, xuất hiện vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX. Đường đi được mô tả là từ đằng sau phố Ngõ Trạm cũ, hay gọi đúng tên cũ của nó là phố Hà Trung, qua một bãi tha ma rậm rạp, rồi đến một cái vùng rất rộng, bên này dọc theo phố Đường Thành, bên kia dọc theo đường xe lửa lên mãi tới khu Cống Đục bây giờ, đó là “hồ xác trẻ". Tuy gọi là hồ, nhưng không lấy gì làm sâu lắm, chỉ những khi mưa to mới nổi nước, còn thì cứ xăm xắp quanh năm. Vì không có nước, người xưa đã lợi dụng làm nơi chứa các rác bẩn, về sau có thứ bèo Nhật Bản sản sinh, thì vũng ấy lại thành một vùng bèo rất xanh tốt.

Trong những rác rưởi chồng đống và những đám bèo xanh tốt ấy, hằng ngày người ta đã thấy những cảnh tượng rùng rợn thê thảm. Đó là những xác trẻ con bị vùi dập. Những xác trẻ con ấy một phần là những con nhà nghèo không được chôn cất, một phần là của những đứa con bị chết nhưng có cha mẹ mê tín sợ chôn cất tử tế thì nó thương tiếc thường hay lộn lại, nên quăng bỏ đi cho thoát nợ. Ngoài ra, ở đó còn một số trẻ hoang thai, kết quả của những cuộc tình vụng trộm trong sự hà khắc của lễ giáo phong kiến. Bởi, hồi ấy xã hội Việt Nam còn chú trọng lễ giáo cũ, những cặp đôi vì sự yêu thầm dấu vụng mà có thai, sợ dư luận chỉ trích, mong trút ra để tống quái cho êm chuyện. Người đi đường thời bấy giờ, nhìn thấy cảnh tưởng ghê gớm ấy, ai nấy cứ nhắm mắt bỏ qua. Nhiều khi người đi đường lại thấy cả những xác người lớn bị ám sát do hung thủ đã giấu hay quăng bỏ vào đó phi tang đi.

Học giả Doãn Kế Thiện
Học giả Doãn Kế Thiện

Học giả Doãn Kế Thiện khi chứng kiến những cặp đôi trẻ bấy giờ âu yếm nhau, đã buông lời cảnh tỉnh: “Hàng trăm hàng nghìn oan hồn tiểu nhi vô tội phảng phất bay đâu đó. Chúng nó xưa kia, phần nhiều là những kết quả của những cuộc tình duyên vụng trộm. Bố mẹ nó là "nhân ngãi nhân nghì” cũng như các người bây giờ vậy. Họ yêu nhau không chính đáng, và trót sinh ra chúng nó. Nhưng họ không dám nhận làm con, nên đang tay hóa kiếp chúng nó đi. Trong những lúc nhỏ to hò hẹn, nếu các người tỉnh trí lại trong giây phút, các người sẽ tưởng như thấy có tiếng kêu van đòi mạng của bọn đầu xanh vô tội còn vòng vọng bên tai các người”.

Doãn Kế Thiện cũng chỉ ra, chính vì tính cầu thả và lòng ích kỷ của người mình, ai nấy cứ nhắm mắt bỏ qua, hồ xác trẻ ấy mỗi ngày cứ diễn thêm cảnh rùng rợn mãi.

Cho đến nay, tình trạng nạo phá thai chui, và tuỳ tiện vứt “sản phẩm” nạo phá thai ở bất cứ đâu vẫn còn tồn tại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó trước hết xuất phát chính từ giới trẻ. Giới trẻ hoặc thiếu kiến thức, hoặc không làm chủ được mình, hoặc thích cuộc sống hưởng thụ, buông thả, không tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng. Vậy, trước khi “hành động”, các bạn trẻ nên nhớ lấy lời răn dạy của Sở Bảo Doãn Kế Thiện. Bên cạnh đó, gia đình xã hội cũng cần phải có trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền, và ngăn chặn kịp thời thực trạng đau lòng này!

Doãn Kế Thiện (1894 - 1965) có các bút danh: Bảo Sơn, Sơn Vân, Long Thành, Tú Sơn, là nhà văn hoá, nghiên cứu lịch sự Hà Nội, quê ở Phú Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ông học chữ Hán nhưng không đi thi, học chữ quốc ngữ và chữ Pháp, làm tổng sư (thầy giáo trường tổng) rồi ra Hà Nội làm báo, viết văn. Ông viết cho nhiều báo: Nam Phong, Trung Bắc chủ nhật, Tiểu thuyết thứ bẩy, Thực nghiệp... Ông còn là tác giả nhiều sách nghiên cứu giá trị, như: Lược khảo thơ Trung Quốc, Doanh nhân Việt Nam, đặc biệt về Hà Nội ông có các tác phẩm Hà Nội cũ và Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội. Ông còn dịch nhiều thơ Đường, thơ Tống.

Là một nhân sĩ trí thức đi theo cách mạng, Doãn Kế Thiện từng là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt liên khu III (thời chống Pháp) rồi Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội trong 10 năm liền (1956 - 1965).