Bỉ "dậm chân tại chỗ" trong cuộc chiến chống tham nhũng chính trị
Tuần này, GRECO đã công bố báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong các nghị sĩ, thẩm phán và công tố viên ở Bỉ, qua đó cho thấy, không có cải thiện trong việc ngăn chặn tham nhũng tại Nghị viện kể từ báo cáo trước đó được công bố vào tháng 3/2021.
Bên cạnh đó, GRECO ghi nhận một số cải thiện liên quan đến chống tham nhũng giữa các thẩm phán và công tố viên.
GRECO gồm 50 quốc gia thành viên được thành lập tháng 5/1999 nhằm hỗ trợ các quốc gia trong nhóm cải thiện năng lực chống tham nhũng thông qua theo dõi, giám sát chặt chẽ các quốc gia này trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn của Hội đồng châu Âu về chống tham nhũng dưới mọi hình thức. Kể từ đó đến nay, GRECO đã giúp các thành viên của mình xác định những thiếu sót trong chính sách chống tham nhũng quốc gia, thúc đẩy cải cách lập pháp, thể chế và thực tiễn cần thiết.
Năm 2014, GRECO bắt đầu tiến hành đánh giá cách tiếp cận của Bỉ trong việc chống tham nhũng giữa các nhà lập pháp và thẩm phán và đã đánh giá tình trạng hoạt động hàng năm kể từ đó.
Năm 2021, cơ quan chống tham nhũng đã lên tiếng chỉ trích Bỉ hành động chưa đủ, chỉ thực hiện 4 trong số 15 khuyến nghị được nêu ra trong năm 2014. GRECO nói rằng, quốc gia Tây Âu này đã không đạt được “tiến bộ đầy đủ hoặc sự kiên quyết trong việc thực hiện toàn bộ khuyến nghị”.
Báo cáo cho biết thêm, mặc dù Nghị viện khẳng định việc theo sát các khuyến nghị của GRECO, nhưng cơ quan này đã không thực hiện luật pháp hoặc thủ tục về vấn đề này.
Báo cáo nói rằng, các quy định về quà tặng và tính minh bạch của quan hệ giữa các nhà lập pháp và bên thứ ba cần được cải thiện.
GRECO lưu ý, cần phải có luật mới hoặc những biện pháp trừng phạt đối với các vi phạm chính.
GRECO cũng mong đợi những cải tiến đối với hệ thống kê khai cùng với việc công khai bản kê khai tài sản của các nghị sĩ.
Hiện, Quốc hội Bỉ đã bắt đầu thảo luận về các quy tắc minh bạch liên quan đến quan hệ với các nhà vận động hành lang và các bên thứ ba khác. Dự luật về “thiết lập sổ đăng ký minh bạch và một phần về tính minh bạch” do Đảng Xanh đề xuất đã được thảo luận trong nhiều tháng nay.
Dự luật kêu gọi gia hạn sổ đăng ký vận động hành lang hiện có và thay thế bằng sổ đăng ký minh bạch bắt buộc chung cho Phòng, Thượng viện và Chính phủ liên bang.
Dự luật cũng định nghĩa rõ khái niệm “vận động hành lang”, “những người vận động hành lang” và quy định rằng, những người vận động hành lang không tuân thủ luật pháp sẽ bị xóa khỏi danh sách đăng ký và bị coi là “những người vi phạm”.