Bi kịch “nạn nhân trở thành tội phạm” ở Bình Phước và các quyết định cần xem lại
Từ việc vị mất trộm, cả hai vợ chồng lĩnh án tù giam
Theo hồ sơ vụ án và trình bày cảu gia đình ông Phạm Thanh Bình, vợ chồng ông Phạm Thanh Bình là vợ là Trần Thị Mỹ Linh (trú tại Bình Phước) được giao một đám rẫy ở Bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông thuộc công ty TNHH Minh Phúc. Do không thường xuyên có mặt ở rẫy nên tài sản của gia đình Phạm Thanh Bình ở rẫy thường xuyên bị mất trộm.
Ngày 13/12/2019, những hộ dân xung quanh phát hiện một xe ô tô vào rẫy của Phạm Thanh Bình trộm gỗ nên đã giữ xe ô tô lại báo cho ông Bình biết. Ông Bình từ Đồng Xoài về thì người dân bắt được người trộm cắp. Tài sản bị mất trộm là 2 tấm ván ngựa và một số gốc cây gỗ hương.
Người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản khai nhận do Quách Hoài Thanh là nhân viên bảo vệ của công ty TNHH Minh Phúc chỉ đạo. Do vậy, ông Phạm Thanh Bình để những người này về và yêu cầu dẫn Quách Hoài Thanh lên làm việc.
Theo gia đình ông Phạm Thanh Bình, trước sự việc này, ông Quách Hoài Thanh đã nhờ ông Lê Minh Duẩn, Phó giám đốc công ty TNHH Minh Phúc giàn xếp sự việc với vợ chồng ông Phạm Thanh Bình. Ngày 01/01/2020, ông Duẩn hẹn ông Phạm Thanh Bình gặp Quách Hoài Thanh để giải quyết sự việc.
Khi giải quyết, ông Phạm Thanh Bình cho rằng hai lần mất trộm trước đó có thiệt hại về tài sản khoảng hơn 200 triệu đồng và yêu cầu ông Quách Hoài Thanh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Ông Quách Hoài Thanh đề nghị bồi thường 60 triệu đồng. Hai bên viết giấy thỏa thuận về việc bồi thường, có người làm chứng. Sau đó, ông Quách Hoài Thanh đã vay 5 triệu đồng để trả trước và hẹn thời điểm trả nốt số tiền còn lại.
Ngày 14/01/2020, ông Quách Hoài Thanh hẹn Phạm Thanh Bình đến quán cà phê ở ngã 3 Đông Dương để trả tiền bồi thường. Hai vợ chồng Phạm Thanh Bình đã đến nhận số 25 triệu đồng và ngay lập tức bị “bắt quả tang” về tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Ngày 22/1/2021, vợ chồng ông Phạm Thanh Bình đã bị đưa ra xét xử. Theo đó, ông Phạm Thanh Bình bị TAND tỉnh Đăk Nông kết án 3 năm 6 tháng tù về tội Cưỡng đoạt tài sản; bà Trần Thị Mỹ Linh, vợ ông Bình nhận án 3 năm tù.
Ngày 20/12/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Trong khi tiếp tục kêu oan, ông Phạm Thanh Bình chấp nhận thi hành bản án mà tòa án đã tuyên và hy vọng vợ được hoãn chấp hành thi hành án để chăm sóc gia đình. Bà Trần Thị Mỹ Linh đã làm đơn xin hoãn thi hành án.
Tuy nhiên, ngày 5/5/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, địa phương mà vợ chồng ông Phạm Thanh Bình cư trú, đã có văn bản thông báo về việc không chấp nhận đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù của bà Trần Thị Mỹ Linh.
Lý do được nêu trong quyết định không chấp nhận việc hoãn thi hành án mà tòa án đưa ra là các con của vợ chồng ông Phạm Thanh Bình đều đã trưởng thành (trên 18 tuổi), đã đủ tuổi lao động nên bà Trần Thị Mỹ Linh không phải là lao động duy nhất của gia đình nên không đủ điều kiện hoãn thi hành án.
Cần xem xét vụ lại vụ án
Bình luận về vụ án này, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty Luật TNHH Fanci cho rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp “bị hại trở thành bị cáo” do cách xử lý tình huống không phù hợp quy định của pháp luật, mà trường hợp chủ chó đánh kẻ trộm chó đến chết là trường hợp phổ biến nhất.
Thông báo của VKSND tối cao về việc thụ lý đơn kêu oan
Đối với vụ án này, có nhiều vấn đề pháp lý cần các cơ quan tố tụng phải xem xét lại. Cụ thể, việc người dân và chủ sở hữu tài sản bắt giữ người phạm tội trộm cắp quả tang nhưng không đề nghị khởi tố hình sự mà yêu cầu bồi thường dân sự có phải là một hành vi phạm tội như việc các cơ quan chức năng truy tố đối với vợ chồng ông Phạm Thanh Bình hay không, cần phải được làm rõ.
“Được biết, VKSND tối cáo đã rút hồ sơ vụ án để xem xét lại. Tôi cho rằng, vấn đề cần phải làm rõ là những người thực hiện một hành vi xâm phạm quyền sở hữu đã được làm rõ và thỏa thuận bồi thường cho chủ sở hữu là việc làm không trái pháp luật vì người dân (bao gồm người bị xâm phạm sở hữu và người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu) hoàn toàn có quyền thương lượng, hòa giải việc bồi thường thiệt hại. Trường hợp không thương lượng được việc bồi thường, người bị thiệt hại có quyền tố cáo hành vi phạm tội hoặc khởi kiện dân sự để đòi bồi thường. Như vậy, việc quy kết người bị mất tài sản đòi người trộm cắp bồi thường là Cưỡng đoạt tài sản là không thỏa đáng”, Luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết.
Vụ án có thể sẽ được xem xét lại, nhưng vấn đề trước mắt là vợ chồng ông Phạm Thanh Bình người thì đã vào tù, người sắp bị bắt thi hành án. Nếu vụ án được xem xét lại và họ được minh oan, hậu quả vụ án sẽ khó giải quyết.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.