Biến lòng đường thành sân phơi thóc, người dân đối diện với nguy cơ tai nạn giao thông
thứ bảy, 3/6/2023 10:18 GMT+07
Thời điểm này, người dân ngoại thành Hà Nội tập trung thu hoạch lúa, bên cạnh niềm vui được mùa thì nhiều nơi bà con nông dân vẫn còn phơi thóc trên các tuyến đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Người dân phơi thóc trên đường
Theo ghi nhận của Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, dọc đường quốc lộ 6, đường liên huyện, liên xã thuộc địa phận huyện Chương Mỹ (Hà Nội), người dân tận dụng một phần của lòng đường để phơi thóc. Nhiều hộ gia đình "vô tư" chiếm dụng hẳn một làn đường, trải bạt ra để phơi thóc, người tham gia giao thông khi đi qua những đoạn đường này phải đi sang làn đường khác. Việc phơi thóc lúa ngay tại lòng đường như thế này còn gây nguy hiểm trực tiếp đến chính những người nông dân phơi, cào thóc lúa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Không chỉ phơi thóc dưới lòng đường, vỉa hè cũng là nơi bà con chọn để phơi thóc lúa, khi người đi bộ muốn đi qua phải đi xuống lòng đường. Ngoài ra, bà con khi thu hoạch lúa xong còn đốt rơm rạ, khói bay lên làm bầu không khí ở nông thôn đặc quánh. Chẳng những thế, khói rơm rạ còn làm cay mắt những người tham gia giao thông, khó khăn trong việc lái xe. Tương tự, tại xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội), bà con cũng phơi thóc lúa chiếm đến nửa lòng đường. Bà N.H.H cho hay: "Dọc các con đường làng, đường liên xã khu vực này đâu đâu cũng xảy ra tình trạng như vậy, các xe đi qua phải tránh nhau ở những đoạn đường phơi thóc rất nguy hiểm". Gạch, đá, cành cây, lốp xe... được người dân dùng để chèn bạt phơi và báo hiệu đã trở thành những chướng ngại vật nguy hiểm cho người đi đường. Vì vậy, các phương tiện khi lưu thông qua những đoạn đường này đều phải giảm tốc độ hoặc lấn sang cả làn đường ngược chiều. Tại mục 1 điều 12, Nghị định số 100 NĐ/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ sẽ phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ”. Trước thực trạng này, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện, mỗi người dân cần nêu cao ý thức giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương cần tuyên truyền, nhắc nhở người dân không phơi thóc lúa dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ những tai nạn đáng tiếc.