Bình Định: Cấp phép đầu tư các dự án xây dựng nhà máy chế biến dăm, viên nén gỗ tràn lan liệu có hệ lụy gì?
Đi ngược lại với định hướng quy hoạch
Khoảng 10 năm về trước, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 3240, ngày 31/10/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, với quan điểm phát triển công nghệ chế biến dăm gỗ trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp nguyên liệu cho công nghệ chế biến gỗ và dăm gỗ, phù hợp với Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 tỉnh Bình Định, Quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
UBND tỉnh Bình Định đưa ra định hướng quy hoạch: Phát triển công nghiệp chế biến dăm gỗ theo hướng tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ phù hợp với quy hoạch đầu tư phát triển rừng trồng của các tổ chức và cá nhân; thâm canh tăng năng suất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến ổn định, hiệu quả và bền vững. Tăng cường công tác thu hút đầu tư các nhà máy chế biến các sản phẩm từ dăm gỗ như: Bột giấy, ván dăm, ván ghép thanh, ván MDF, sản xuất sợi visco để tăng hiệu quả kinh tế từ trồng rừng nguyên liệu.
Phấn đấu đến sau năm 2020 hạn chế và đi đến không xuất khẩu dăm gỗ, trên cơ sở không gây tác động tiêu cực đến các nhà máy dăm hiện tại và vấn đề tiêu thụ gỗ rừng trồng. Rà soát, sắp xếp hợp lý các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ trên địa bàn, đảm bảo sử dụng tối đa lợi thế so sánh của doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, có phương án sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu với công suất chế biến, không quy hoạch các nhà máy chế biến dăm gỗ tại các khu dân cư và ở ngoài khu, cụm công nghiệp, không quy hoạch phát triển mới nhà máy chế biến dăm gỗ.
Một thành viên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng: Định hướng quy hoạch là vậy, thế nhưng nhiều năm qua, tỉnh Bình Định vẫn cấp phép chủ trương đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất chế biến dăm, viên nén gỗ một cách tràn lan, khiến cho thị trường nguyên liệu gỗ rừng trồng khan hiếm. Từ đó, các doanh nghiệp chế biến dăm, viên nén gỗ phải cạnh tranh giá thu mua nguyên liệu rừng trồng của người dân, rồi tự đẩy nhau vào tình cảnh khó khăn khi tìm kiếm nguồn nguyên liệu gỗ như hiện nay.
Dự báo những hệ lụy nếu cung không đủ cầu
Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời cử tri tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026: Toàn tỉnh Bình Định hiện có có 98.000ha rừng trồng sản xuất, mỗi năm khai thác khoảng 9.000ha, năng suất khoảng 1.200.000 tấn gỗ các loại. Tuy nhiên, sản lượng gỗ lớn cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 20% sản lượng gỗ khai thác hằng năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 105 doanh nghiệp chế biến gỗ, nguyên liệu để mỗi năm sản xuất 300.000m3 gỗ tinh chế là 1,2 triệu m3 gỗ tròn, trong đó gỗ nhập khẩu 400.000m3, gỗ rừng trồng trong tỉnh 200.000m3, còn lại mua của các tỉnh khác. Như vậy, nguyên liệu gỗ sử dụng cho chế biến tinh của các nhà máy trên địa bàn tỉnh còn thiếu rất nhiều, trong khi đó sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hằng năm chủ yếu phục vụ cho các nhà máy chế biến dăm và sản xuất viên nén.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về vấn đề cấp phép chủ trương đầu tư các nhà máy sản xuất chế biến dăm và viên nén gỗ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết: Việc cấp phép chủ trương đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến dăm và sản xuất viên nén ngày càng nhiều hiện nay sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu rừng trồng sản xuất bị khan hiếm, vì các nhà máy chế biến gỗ đang thiếu hụt nguyên liệu, phải nhập khẩu từ nước ngoài và mua từ ngoài tỉnh. Hiện nay, tỉnh Bình Định đang thực hiện Đề án phát triển trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, theo kế hoạch đến năm 2025 sẽ trồng mới và chuyển hóa được 10.000ha, đến nay đã thực hiện được 6.767ha đạt 67,7%, kế hoạch năm 2023 trồng 4.550ha sẽ vượt kế hoạch đến năm 2025.
Ông Trần Văn Phúc tiếp lời: Tuy nhiên, trồng rừng gỗ lớn hiện nay chủ yếu trồng lại sau khai thác, do đó Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ; mặt khác, trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài từ 10-15 năm, do đó dễ gặp rủi ro, như gió bão, hạn hán, cháy rừng. Vì vậy, nếu tiếp tục đầu tư các nhà máy chế biến dăm và sản xuất viên nén thì giá gỗ bán cho các nhà máy này sẽ tăng và người trồng rừng sẽ khai thác rừng non, rất khó thực hiện Đề án phát triển trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn.
Ông Trần Văn Phúc chia sẻ: Nếu cung không đủ cầu, giá gỗ nguyên liệu sẽ tăng cao dẫn đến một số hệ lụy sau: Xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán gây bất ổn thị trường gỗ nguyên liệu; người dân lén lút phá rừng tự nhiên để trồng rừng gỗ nguyên liệu làm giảm độ che phủ rừng; dễ xảy ra tình trạng trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; người dân sẽ khai thác rừng non để bán và không thực hiện được Đề án phát triển trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn; xảy ra trường hợp khai thác rừng trồng sản xuất với diện tích lớn, dẫn đến xói mòn, sạt lở đất, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, ô nhiễm môi trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định thông tin thêm: Để nâng cao giá trị rừng trồng và phát triển bền vững, Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp nhà máy chế biến dăm và sản xuất viên nén liên kết với người trồng rừng để trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Hỗ trợ người dân trồng rừng về kinh phí cấp chứng chỉ rừng và kinh phí duy trì chứng chỉ; hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng; hỗ trợ đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng và áp dụng giá mua nguyên liệu có chứng chỉ rừng cao hơn giá thị trường không có chứng chỉ từ 10 - 15%.