BÌNH THUẬN: Chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”
Nghị lực vươn lên trên vùng đất khô, khó, khổ
Theo Thủ tướng, Bình Thuận là vùng đất tự hào về thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng hào hùng. Nhớ đến Bình Thuận là nhớ đến vùng đất nên thơ của biển xanh, cát trắng, nắng vàng, của dòng nước sông Cà Ty êm đềm, của những vườn thanh long trù phú, hấp dẫn. Nhớ đến Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ dừng chân dạy học, nhớ đến những người con của Bình Thuận kiên trung một lòng theo Đảng, theo cách mạng và hoạt động cách mạng cho đến khi thắng lợi...
“Chúng ta thấy Bình Thuận vươn lên từ vùng đất khô, khó, khổ, có lẽ đó là niềm tự hào của đất và người Bình Thuận, để chúng ta tự hào, tự tin, khẳng định mình và vươn lên mạnh mẽ trong tương lai”, Thủ tướng chia sẻ.
Sau 30 năm tái lập tỉnh, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết tâm thay đổi tư duy, tìm chọn hướng đi phù hợp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã vượt qua khó khăn, gian khổ, vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ và có những kết quả hết sức cụ thể. Tỉnh đã biết tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, lấy phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng làm đột phá, xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân làm nền tảng.
Bình Thuận đã có sự phát triển vượt bậc, từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và miền Đông Nam Bộ. Đến nay Bình Thuận đã và đang hoàn thiện các hệ thống giao thông chiến lược và là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn có sự thay đổi đáng kể, ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 kinh tế của tỉnh có bước hồi phục mạnh mẽ. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,44%, cao hơn so mức trung bình cả nước.
Lấy nội lực là cơ bản, ngoại lực là quan trọng
Đưa ra nhiều lưu ý quan trọng đối với Bình Thuận, Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận; phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân.
Đối với lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng yêu cầu: Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, quyết tâm đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực. Khuyến khích phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, điện mặt trời hợp lý, điện khí LNG và năng lượng Hydrogen, đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng tầm quốc gia. Từng bước phát triển công nghiệp, nông nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế của địa phương. Chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”, nông nghiệp sản xuất lớn, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu, chế biến sâu, vươn ra thị trường quốc tế, nhất là đối với các sản phẩm lợi thế của địa phương. Phát triển mạnh kinh tế biển. Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, không gian biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển.
“Với những tiềm năng, lợi thế và những nét độc đáo từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng của địa phương, những thành tựu 30 năm qua đã tạo nên vị thế và tiềm lực mới cho Bình Thuận. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận cần kế thừa, phát huy tối đa thành quả đã đạt được, đã cố gắng rồi, phải cố gắng nhiều hơn nữa, đã đoàn kết càng phải đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phải đi lên từ “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Bình Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh như có đầy đủ các loại hình giao thông thuận lợi; có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là điện gió, điện mặt trời; có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển; tiềm năng phát triển du lịch; nhiều khoáng sản với trữ lượng lớn, đặc biệt có trữ lượng dầu mỏ lớn... “Bình Thuận phải đi lên từ những tiềm năng, lợi thế này, nhất là đi lên từ: biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, Thủ tướng nhấn mạnh. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tới thăm Dự án NovaWorld Phan Thiết (do Novaland đầu tư gần 5 tỉ USD, rộng 1.000ha).
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 244 -248 ra ngày 1-5/9/2022)