1. Trang chủ /
  2. Bộ, ngành Tư pháp đạt được nhiều kết quả khá toàn diện và quan trọng

Bộ, ngành Tư pháp đạt được nhiều kết quả khá toàn diện và quan trọng

thứ tư, 16/8/2023 10:47 GMT+07
Chiều 15/8, phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, QH, sự quyết tâm, nỗ lực trách nhiệm, ngành Tư pháp và Bộ Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện và quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn.

Công tác thẩm định các dự án luật, nghị quyết có nền nếp, trách nhiệm và chất lượng

Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, phiên chất vấn đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã kết thúc tốt đẹp.

Các đại biểu QH đã có sự chuẩn bị kỹ, các câu hỏi có chất lượng, sát với thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri; thực hiện đầy đủ các quy định về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, bảo đảm đúng thời gian quy định.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng các Bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng của ngành và lĩnh vực phụ trách đã giải trình, làm rõ thực trạng, đề xuất được nhiều giải pháp đối với từng vấn đề chất vấn.

UBTVQH và các đại biểu QH đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp, cam kết tại phiên chất vấn này.

Qua báo cáo của Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT gửi các đại biểu QH cũng như diễn biến của phiên chất vấn và tình hình thực tiễn, thay mặt UBTVQH, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý, nhấn mạnh một số nội dung.

Trong đó, về lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Chủ tịch QH nêu rõ, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, QH, sự quyết tâm, nỗ lực trách nhiệm, ngành Tư pháp và Bộ Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện và quan trọng.

Đáng chú ý, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và có đổi mới cách thức tham mưu Chính phủ trình QH thông qua các Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, bám sát Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH và các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Công tác thẩm định các dự án luật, nghị quyết của Bộ Tư pháp có nền nếp, trách nhiệm và có chất lượng.

Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện các văn bản có sai sót, vi phạm quy định về thể thức, nội dung, thẩm quyền; số lượng văn bản được phát hiện và xử lý cao so với giai đoạn trước, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản được nâng lên cả ở Trung ương và địa phương; có nhiều cố gắng phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.

Tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; các hình thức đấu giá phong phú, đa dạng hơn; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu giá tài sản đạt được những kết quả ban đầu.

Về cơ bản, việc thực hiện giám định tư pháp đáp ứng được yêu cầu của hoạt động tố tụng. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp được quan tâm củng cố; cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động giám định được quan tâm đầu tư.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong xây dựng pháp luật

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch QH cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành Tư pháp. Qua phiên chất vấn, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu QH, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra và tập trung vào một số vấn đề về công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; công tác đấu giá tài sản; và công tác giám định tư pháp.

Trong đó, với công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ tịch QH yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật được đề ra tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa và các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết. Khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng, chậm ban hành hoặc văn bản quy định chi tiết việc ban hành đã phải sửa đổi do không phù hợp với thực tiễn.

Chủ tịch QH nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận công chức pháp chế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật.

Theo Chủ tịch QH, từ các chất vấn của đại biểu QH, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã kịp thời được xem xét, giải quyết; nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Tập trung giải pháp tháo gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với thủy sản
Về lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, Chủ tịch QH nêu rõ, ngành NN&PTNT hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Từ các vấn đề đặt ra, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu QH, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản; khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với thủy sản; chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực.
Thông qua hoạt động chất vấn còn giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục hạn chế, tồn tại; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát rất có hiệu quả của QH, UBTVQH.
Chủ tịch QH tin tưởng rằng, với các giải pháp mà các Bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của QH, các đại biểu QH, lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn, nhất là trong bối cảnh, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương Đảng; ngành Nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.