Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đẩy mạnh truyền thông chính sách
Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) – Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo tại Toạ đàm, ông Hoàng Nhất Thống, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, công tác PBGDPL, truyền thông chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân của Bộ TN&MT tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, trong đó rõ nét nhất là toàn ngành đã có nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của công tác này trong đời sống xã hội, thực sự trở thành cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Đối với Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” và Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ TN&MT đã bám sát nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện có hiệu quả chức năng tư vấn, tham mưu triển khai công tác PBGDPL, truyền thông chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm trong tôn trọng, chấp hành Hiến pháp, pháp luật.
Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ PBGDPL, truyền thông chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân ngày càng chặt chẽ, bài bản và hiệu quả hơn.
Nội dung, hình thức PBGDPL, truyền thông chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân về tài nguyên và môi trường được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, cơ bản phù hợp với từng đối tượng. Việc biên soạn và phát hành tài liệu phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin đã đem lại hiệu quả tuyên truyền tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh phí cho công tác PBGDPL, truyền thông chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân hiện nay còn hạn chế; nguồn nhân lực còn thiếu, công chức thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm nên ít có điều kiện, thời gian đầu tư trong việc trau dồi, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng PBGDPL, truyền thông chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân…
Tại buổi làm việc, các đơn vị thuộc Bộ TN&MT đã trao đổi, nêu ý kiến về tình hình triển khai các hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý; cách thức phối hợp truyền thông và tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản biện xã hội về dự thảo chính sách, pháp luật; đánh giá tác động, ý nghĩa của hoạt động truyền thông chính sách mà cơ quan, đơn vị đã triển khai trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; các cách làm hay, hiệu quả trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách cũng như nêu các khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện.
Kết luận buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc khẳng định, mô hình và cách thức truyên truyền, PBGDPL đa dạng, phong phú và hiệu quả của Bộ TN&MT trước, trong và sau khi các văn bản pháp luật quan trọng của ngành được ban hành là một điểm sáng. Cách thức thực hiện bài bản, đầy đủ như vậy sẽ giúp công tác truyên truyền, PBGDPL của ngành TN&MT hiệu quả và thực chất.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều đơn vị khác, việc cân bằng giữa nhu cầu tài chính thực tế và cấp ngân sách cho công tác truyên truyền, PBGDPL của Bộ TN&MT còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương mong muốn đơn vị tài chính của Bộ sẽ đồng hành và chia sẻ với các đơn vị chuyên môn trong việc bố trí ngân sách cho hoạt động này.
Ông Lê Vệ Quốc bày tỏ mong muốn Bộ TN&MT tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về TN&MT; lựa chọn nội dung, hình thức PBGDPL, truyền thông chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân phù hợp với đối tượng, địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, truyền thông chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân…