Bộ Y tế: Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Chủ động trong kiểm tra, rà soát văn bản
Báo cáo tại buổi kiểm tra, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Hằng năm, Bộ Y tế đều ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL đã được Bộ Y tế quan tâm bố trí, đáp ứng yêu cầu của công tác này.
Bộ Y tế thường xuyên lồng ghép việc hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL hàng năm trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tư pháp hoặc cử cán bộ, công chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp tổ chức.
Về công tác kiểm tra VBQPPL, Bộ Y tế đã tự kiểm tra toàn bộ các VBQPPL do Bộ Y tế ban hành, phối hợp ban hành. Năm 2021, Bộ Y tế tiến hành tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền 146 văn bản; năm 2022 là 320 văn bản. Thông qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện các văn bản trái pháp luật, đến nay cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ để xử lý VBQPPL trái pháp luật.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã thực hiện kiểm tra văn bản theo các chuyên đề theo đề nghị của Bộ Tư pháp; kiểm tra theo thẩm quyền VBQPPL do các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành có quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Về công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, từ năm 2021 đến ngày 30/11/2023, Bộ Y tế đã rà soát 972 VBQPPL, đã tiến hành xử lý theo thẩm quyền đối với 83/107 văn bản.
Trong năm 2021, 2022, Bộ đã thực hiện việc công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần theo quy định tại Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) là 79 VBQQPL.
Đến nay, Bộ Y tế đã tiến hành tập hợp được 581 văn bản trong lĩnh vực y tế và các đơn vị đang tiến hành thực hiện việc hệ thống hóa VBQPPL kỳ 2019-2023.
Bên cạnh kết quả đạt được, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng chỉ ra một số hạn chế như: Việc rà soát các VBQPPL đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian, chất lượng của cơ quan yêu cầu rà soát; công tác xử lý kết quả rà soát VBQPPL đôi khi chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu; công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ trong công tác hệ thống hóa, rà soát đôi khi chưa cao…
Sau khi nghe báo cáo, thành viên Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị của Bộ Y tế làm rõ hơn về một số vấn đề liên quan đến việc phát hiện, xử lý văn bản trái pháp luật; công tác tham mưu của Vụ Pháp chế trong kiểm tra VBQPPL; công tác xử lý văn bản sau rà soát; kinh phí dành cho công tác này…
Cần kịp thời xử lý văn bản sau rà soát
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhận định: Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, là một trong những bộ quản lý ngành, lĩnh vực có phạm vi rộng (bao gồm các lĩnh vực: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y, dược cổ truyền; trang thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số, sức khỏe sinh sản; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ) có tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.
Trong những năm gần đây, Bộ Y tế cùng với cả nước gồng mình chống đại dịch Covid - 19, đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, đã ban hành hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành rất nhiều văn bản, chính sách, thực hiện nhiều biện pháp nhằm kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, trong đó, có những vấn đề phải thay đổi linh hoạt với nhiều quyết định lần đầu tiên được áp dụng.
Với tầm quan trọng và những khó khăn mà Bộ Y tế phải đối mặt trong thời gian qua, việc ban hành các chính sách, văn bản pháp luật để vừa phù hợp với văn bản cấp trên (Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) vừa phải phù hợp với đặc điểm quản lý ngành, lĩnh vực, với tình hình thực tiễn được coi là một công việc vô cùng khó khăn. Thấu hiểu những điều đó, Bộ Tư pháp ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác ban hành văn bản của Bộ Y tế, tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản của Bộ vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Theo đó, Thứ trưởng điểm lại một số kết quả đáng ghi nhận như: Thể chế phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của Bộ Y tế được ban hành cơ bản đầy đủ, bảo đảm cơ sở pháp lý cho công tác này được thực hiện theo quy định. Công tác chỉ đạo, điều hành và các điều kiện bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL được quan tâm thực hiện. Qua đó, chất lượng xây dựng, thẩm định, ban hành VBQPPL của Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những điểm tích cực. Từ năm 2019 trở lại đây, công tác xử lý các văn bản sau khi nhận được ý kiến của Bộ Tư pháp được thực hiện kịp thời.
Công tác kiểm tra VBQPPL được thực hiện chủ động, thường xuyên, nghiêm túc, đã phát hiện và xử lý một số văn bản trái pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống VBQPPL thuộc lĩnh vực y tế. Công tác rà soát, hệ thống hoá VBQPPL cơ bản đã đi vào nề nếp. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Bộ Y tế cũng đã thực hiện các nhiệm vụ rà soát VBQPPL theo chuyên đề, theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa VBQPPL về y tế kỳ 2019 -2023; đã tiến hành tập huấn cho các đơn vị thuộc Bộ việc thực hiện hệ thống hoá kỳ 2019 – 2023. Hoạt động tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL đã được quan tâm tổ chức. Về tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản đã được Bộ Y tế quan tâm bố trí, đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số điểm còn hạn chế đó là: vẫn còn văn bản chưa phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; một số văn bản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành không phù hợp với quy định pháp luật nhưng chưa được phát hiện thông qua công tác tự kiểm tra văn bản; chưa thực hiện đầy đủ phương thức kiểm tra văn bản như: kiểm tra văn bản theo địa bàn, lĩnh vực; việc rà soát, xử lý các VBQPPL sau rà soát đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian, chất lượng; chưa kiện toàn được mạng lưới cộng tác viên cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; công tác phối hợp giữa các đơn vị còn chưa chặt chẽ…
Để bảo đảm chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, thay mặt Đoàn kiểm tra liên ngành, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị Bộ Y tế tiếp tục quan tâm chỉ đạo thi hành hiệu quả, nghiêm Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP). Kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL, bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành theo quy định; đề cao vai trò người đứng đầu, tăng cường vai trò của Vụ Pháp chế trong công tác thẩm định VBQPPL.
Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra để kịp thời nhận diện, chấn chỉnh, khắc phục khó khăn, hạn chế trong tổ chức thực hiện các VBQPPL; đề cao hơn nữa trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, thi hành pháp luật; chủ động trong kiểm tra theo thẩm quyền, kiểm soát mức độ phù hợp của VBQPPL qua công tác tự kiểm tra, ngăn chặn nguy cơ làm phát sinh những quy định không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; thực hiện các phương thức kiểm tra văn bản khác như: kiểm tra văn bản theo địa bàn, chuyên đề, theo lĩnh vực. Củng cố và hoàn thiện đội ngũ cộng tác kiểm tra VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế; huy động trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn
Tự kiểm tra, kịp thời xử lý các văn bản trái pháp luật đã được nêu tại buổi làm việc; trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành, đề nghị báo cáo về tình hình, kết quả xử lý các văn bản nêu trên. Đồng thời, đánh giá hậu quả, tác hại của văn bản gây ra và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đã ban hành, tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật theo quy định.
Thực hiện rà soát kịp thời, đầy đủ các VBQPPL theo quy định; xử lý, kiến nghị xử lý các VBQPPL cần xử lý sau rà soát. Tiếp tục chỉ đạo Vụ pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hệ thống hóa VBQPPL kỳ 2019 - 2023 theo đúng quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Có giải pháp tiếp tục tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; củng cố và hoàn thiện đội ngũ cộng tác kiểm tra VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế; tiếp tục quan tâm, bố trí biên chế, kinh phí hợp lý cho công tác này.
Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ trong công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL.