BOT Diễn Châu-Bãi Vọt chậm vì nhà đầu tư ‘chạy show’ nhiều dự án?
Nhà đầu tư “phân thân” quá nhiều nơi
Như PLVN đã thông tin, sau gần một năm ký Hợp đồng BOT Dự án cao tốc Bắc - Nam (đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt), liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hoà Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO 4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2 và doanh nghiệp dự án - Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng mới ký Hợp đồng tín dụng với các ngân hàng cho vay hợp vốn.
Hạn mức tín dụng dự án được cấp là 3.560 tỷ đồng. Phần vốn còn lại, nhà đầu tư tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án để đảm bảo đủ vốn BOT (5.090 tỷ đồng) như quy định.
Theo quan sát, trước thời điểm nói trên, cả Bộ GTVT và liên danh nhà đầu tư đều “hồi hộp” chờ đợi quyết định cuối cùng của nhà tài trợ vốn, bởi tín dụng thương mại đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các dự án đối tác công - tư như cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Tuy nhiên, sau khi đã “chung kết” được với ngân hàng, tiền vốn đã có, tiến độ dự án vẫn không chuyển biến so với thời điểm khởi công dự án - tháng 5/2021. Cụ thể, đến nửa cuối tháng 3/2022, sản lượng thực hiện được của dự án mới chỉ 1,81% giá trị hợp đồng, tức là chậm gần 7% so với kế hoạch.
Đáng nói, các nhà đầu tư trong liên danh dự án này đều là những đơn vị không mấy xa lạ với Bộ GTVT, thậm chí đã được Bộ này trao thầu thi công xây lắp nhiều công trình dự án trong cả nước.
Như vậy, trước và sau khi làm nhà đầu tư ở cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, một số doanh nghiệp trong liên danh này đã, đang bị phân tán nhân lực, thiết bị, xe máy… ở nhiều công trường dự án khác. Thực tế đó khiến các doanh nghiệp khó có thể mạnh nhất khi tới công trường Diễn Châu - Bãi Vọt thi công?
Qua tìm hiểu được biết, ngoài Dự án BOT Diễn Châu - Bãi Vọt, CIENCO 4 còn đang tham gia thi công 4 hợp phần khác trên cao tốc Bắc - Nam, đó là dự án: Phan Thiết - Dầu Giây, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2.
Tương tự, Công ty TNHH Hoà Hiệp - một doanh nghiệp địa phương - ngoài làm nhà đầu tư cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt còn là nhà thầu thi công tại 2 dự án khác trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, đoạn: Cam Lộ - La Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu…
Chỉ nêu một vài dẫn chứng như thế để thấy các nhà đầu tư đang ôm đồm quá nhiều vai, nhiều việc, và đó có thể là nguyên nhân khiến công trường dư án này vắng lặng kéo dài?
Lãnh đạo Bộ GTVT và PMU6 kiểm tra hiện trường cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt
Bộ GTVT chỉ “đe”, chưa phạt!
Được biết, với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ đầu năm 2022 đến nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn (trực tiếp chỉ đạo dự án này) đã có 3 chuyến thị sát công trường.
Bình quân mỗi tháng, ông Thứ trưởng đi kiểm tra tuyến một lần như vậy là khá sát sao, nhưng mức độ chuyển động trên công trường thì không tỷ lệ thuận với số lần đi hiện trường của lãnh đạo Bộ GTVT.
Thậm chí, vào thời điểm tròn một tháng sau ngày Hợp đồng tín dụng được ký kết (13/3/2022), Thứ trưởng Tuấn lại vào công trường kiểm tra, nhưng thật khó hiểu bởi khi đó chuyện vốn liếng đã lo xong nhưng phần lớn các nhà đầu tư vẫn chậm tiến độ?
Tại công trường, Thứ trưởng GTVT đã “đe” các doanh nghiệp lớn trong liên danh này rằng, ông sẽ theo sát và “nếu không làm xong, đừng mong làm các dự án khác”.
Trong bối cảnh Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chuẩn bị triển khai, thì việc gọn gàng các dự án giai đoạn 1 một cách tốt nhất có thể là điều rất cần thiết. Vì thế, Bộ GTVT cần mạnh tay xử lý sai phạm, thay vì sử dụng quá nhiều những cụm từ như “đồng hành”, “chia sẻ”… với nhà đầu tư, nhà thầu trong các cuộc giao ban kiểm điểm tiến độ.
Còn nhớ, thời điểm triển khai Dự án nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14), một số nhà thầu đã bị mất việc vì vi phạm tiến độ; Chỉ huy trưởng công trường bị đuổi khỏi vị trí vì không bám dự án… Không những thế, Bộ GTVT cũng đã quyết định thu hồi Dư án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn từ tay một liên danh nhà đầu tư vì vi phạm hợp đồng.
Chưa biết ở BOT Diễn Châu - Bãi Vọt, tới đây Bộ GTVT sẽ xử lý ra sao?
Quỹ thời gian đang hết dần
Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đi qua hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, có tổng chiều dài 49,3 km. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157,82 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090,09 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 6.067,73 tỷ đồng. Thời gian xây dựng 36 tháng, thời gian vận hành hoàn vốn khoảng 16 năm 6 tháng 8 ngày.