“CÀ PHÊ ĐƯỜNG TÀU” HÀ NỘI: Du lịch hay kinh doanh đều phải an toàn
Không xem nhẹ các nguy cơ mất an toàn
Thời gian qua, dư luận đã có ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề dẹp bỏ hay cho duy trì hoạt động “cà phê đường tàu” ở Hà Nội. Luồng quan điểm ủng hộ chủ yếu cho rằng, phố “cà phê đường tàu” là một điểm du lịch hút khách trong những năm qua, đặc biệt với du khách nước ngoài. Việc này tạo ra nguồn thu nhập không nhỏ cho những người dân sống ở khu vực này, đóng góp vào ngành Du lịch Thủ đô. Phố “cà phê đường tàu” tại Hà Nội đã từng được các báo, đài quốc tế và các du khách nước ngoài gợi ý là một trong những điểm du lịch thú vị.
Ngay trong khu vực châu Á cũng có hai phiên bản phố đường tàu nổi tiếng thu hút du khách vẫn được duy trì là chợ đường tàu Maeklong tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan) và phố đường tàu ở Thập Phần tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc). Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng việc cấm hoàn toàn phố đường tàu tại Hà Nội không chỉ là một niềm tiếc nuối đối với người dân, du khách mà còn bớt đi một điểm đến tiềm năng đối với ngành Du lịch Hà Nội.
Ngược lại, những quan điểm cho rằng nên đóng phố “cà phê đường tàu” lại cho rằng, hoạt động kinh doanh ven hoặc ngang đường tàu là vi phạm giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ven hoặc ngang đường tàu còn khiến tốc độ tàu giảm xuống rất thấp, ảnh hưởng đến thời gian di chuyển của tàu.
Từ ngày 15/9, UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu đóng cửa các quán cà phê trong phố “cà phê đường tàu”; xem xét rút giấy phép hoạt động kinh doanh của những cửa hàng vi phạm hành lang an toàn đường sắt qua phố Phùng Hưng. Đây được xem là động thái quyết liệt, mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ của chính quyền nhằm xử lý việc kinh doanh mất an toàn này. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn vận động, tuyên truyền người dân và du khách tạm thời không nên tập trung đông người trên phố “cà phê đường tàu”.
Chỉ phát triển khi có kế hoạch đảm bảo an toàn
Từ khi phố “cà phê đường tàu” bị đóng cửa, không chỉ nhiều du khách nước ngoài đến Hà Nội để trải nghiệm cảm thấy hụt hẫng. Nhiều tờ báo, đài nước ngoài cũng đã đưa tin về sự việc này, đưa ra ý kiến của nhiều du khách bày tỏ sự tiếc nuối.
Những tín hiệu đó cho thấy giá trị của phố “cà phê đường tàu” đối với ngành Du lịch đáng được quan tâm. Vì vậy, nhiều du khách và chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cũng nên cân nhắc, xem xét kế hoạch để phát triển phố “cà phê đường tàu” thành một sản phẩm du lịch, mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn giao thông. Đơn cử, Hà Nội có thể học hỏi kinh nghiệm một mô hình tương tự ở Thái Lan: chợ đường sắt Mae Klong tại quận Samut Songkhram (Bangkok) đã được Tổng cục Du lịch Thái Lan liệt kê vào một trong những điểm đến du lịch đặc sắc của nước này. Du khách có thể chứng kiến tàu hoả chạy qua giữa lòng một khu chợ bán đủ các loại thực phẩm tươi sống như rau củ, trái cây, thịt cá,… và các hàng hoá khác. Đến nay, việc duy trì khu chợ đường sắt này đã thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tham quan, chụp ảnh và ngắm nhìn khung cảnh “hỗn loạn có tổ chức” đó.
Còn về phố “cà phê đường tàu” tại Hà Nội, trả lời báo chí, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, địa phương nhận được văn bản của ngành Đường sắt kiến nghị dẹp bỏ khu vực này vì các hộ kinh doanh vi phạm an toàn hành lang đường sắt. Trước mắt, quận chỉ đạo các phường liên quan tổ chức thu hồi giấy phép kinh doanh và đình chỉ kinh doanh có thời hạn đối với các hộ tại đây. Tuy nhiên, địa phương dự kiến xây dựng đề án nhằm biến khu vực này trở thành điểm đến thu hút khách du lịch nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cả người dân và du khách, nhưng phải đảm bảo an toàn. Có thể xây dựng đề án cho hàng quán tại đây hoạt động theo khung giờ, phù hợp với thời gian tàu chạy.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 264 ra ngày 21/9/2022)