Các doanh nghiệp Big Tech chỉ trích Đạo luật Dữ liệu của EU
Các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) ngày 28/6 đã lên tiếng chỉ trích Đạo luật Dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU), với cảnh báo về khả năng dự luật có thể cản trở luồng dữ liệu và quyền tự do về hợp đồng.
Ngày 27/6, các nước EU cùng các nghị sỹ của khối này đã đạt được thỏa thuận về Đạo luật Dữ liệu, trong đó bao gồm các quy định quản lý cách thức mà các công ty công nghệ lớn và các công ty khác sử dụng dữ liệu người dùng và doanh nghiệp châu Âu, với mục tiêu đảm bảo không để xảy ra nguy cơ rò rỉ dữ liệu ra bên ngoài châu Âu.
Những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden vào năm 2013 về hoạt động giám sát hàng loạt của Mỹ đã khiến EU lo ngại về việc truyền dữ liệu.
Tổ chức DIGITALEUROPE, với các các thành viên như Airbus, Amazon và Google, GFK, Nokia, Qualcomm, Philips, SAP, Siemens và Sony, cho biết Đạo luật dữ liệu không giống với kỳ vọng của các doanh nghiệp.
Cecilia Bonefeld-Dahl, Tổng giám đốc DIGITALEUROPE, cho biết Đạo luật Dữ liệu sẽ đặt ngành công nghiệp châu Âu vào thế bất lợi bằng cách buộc ngành này phải từ bỏ các dữ liệu khó thu nhặt được và hạn chế quyền tự do về hợp đồng, đồng thời có khả năng dẫn đến một làn sóng phi công nghiệp hóa mới và đặt ra rủi ro đối với an ninh mạng.
Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông (CCIA), một nhóm vận động hành lang trong lĩnh vực công nghệ, cho biết các quy định mới gây bất lợi cho Big Tech và hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc thiếu các biện pháp bảo vệ thích hợp có thể dẫn đến việc các đối thủ cạnh tranh tự do sử dụng dữ liệu của các nhà sản xuất thiết bị và nhà cung cấp dịch vụ khác.
Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu (BEUC) cũng phàn nàn rằng đạo luật trên sẽ bỏ lỡ cơ hội làm nhiều hơn cho người dùng.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU, cho biết thỏa thuận về Đạo luật Dữ liệu là cột mốc lớn trong việc tái định hình sự phát triển của lĩnh vực số, giúp phát triển hơn nữa nền kinh tế dựa trên dữ liệu của EU.
Theo đạo luật mới, các cá nhân và doanh nghiệp EU đều được trao quyền kiểm soát lớn hơn đối với cơ sở dữ liệu của mình. Ngoài ra, họ cũng được quyền sao chép hoặc truyền tải dữ liệu một cách dễ dàng hơn giữa các loại hình dịch vụ khác nhau.
Đạo luật cũng cho phép việc chuyển đổi dữ liệu từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác một cách an toàn mà không xảy ra bất kỳ vi phạm nào, cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn tương tác để dữ liệu có thể được chia sẻ và tiếp cận giữa các ngành trong EU mà không gặp trở ngại nào.
Tuy nhiên, đạo luật mới cũng vấp phải quan ngại khi một số nhà sản xuất cho rằng phạm vi điều chỉnh rộng của đạo luật có thể tạo lỗ hổng trong quá trình chia sẻ dữ liệu, bao gồm nguy cơ rò rỉ bí mật thương mại mà hệ quả là gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng./.