CÁC HÀNH VI SAI PHẠM VỀ KINH TẾ, THAM NHŨNG, TIÊU CỰC: Phát hiện từ sớm, từ xa
Cùng ngày, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Trưởng đoàn kiểm tra số 6 đã chủ trì Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương.
Tăng cường trách nhiệm, tính nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo
Theo dự thảo kết quả kiểm tra, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đều ban hành và thực hiện kế hoạch kiểm tra việc khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế...; lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm, bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các hành vi, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc hoặc kéo dài trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, việc lãnh đạo, chỉ đạo, phát hiện và xử lý tham nhũng, nhất là trách nhiệm cán bộ, công chức sai phạm có mặt còn hạn chế, chưa nghiêm; một số vụ án, vụ việc sai phạm kinh tế tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm giải quyết còn chậm, còn tồn đọng kéo dài. Công tác rà soát số vụ việc phát hiện có dấu hiệu tội phạm, chuyển cơ quan điều tra xử lý thấp. Kết luận của cơ quan thanh tra phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền khá lớn nhưng chưa làm rõ tính chất của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra...
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm đánh giá cao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN,TC nói chung; công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là một số nội dung trọng tâm về nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk cần tăng cường vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của từng cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác PCTN,TC; đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chuyên môn để phát hiện từ sớm, từ xa các hành vi sai phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần quan tâm, chú trọng hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng phát hiện sớm các nguồn tin về tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ, nông, lâm trường; các sai phạm trong quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công của cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý nhà nước gây bức xúc dư luận xã hội để kịp thời chuyển giao, xử lý nghiêm minh các cá nhân, tập thể sai phạm, đồng thời có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trên địa bàn. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị tỉnh Đắk Lắk cần nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN,TC; chỉ đạo xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân; đồng thời có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt quan tâm đến chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống
Kết luận Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, Đại tướng Lương Cường yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phải quán triệt nghiêm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên; tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm, nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với những người đứng đầu cơ quan, đơn vị về công tác PCTN nói chung; trong đó chú trọng nâng cao chất lượng hậu kiểm, kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra, kiểm tra. Công tác PCTN,TC cần làm liên tục không nghỉ. Ngoài tham nhũng tiêu cực kinh tế, đề nghị tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm đến chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống…
Thông qua báo cáo dự thảo với 8 nội dung kiến nghị, Đại tướng Lương Cường yêu cầu Bình Dương chủ động tập trung xây dựng kế hoạch, rà soát lại toàn bộ nội dung trong báo cáo để sớm có biện pháp, giải pháp khắc phục cụ thể sớm nhất.
Theo dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, thời gian qua, toàn ngành Thanh tra tỉnh đã thụ lý 5.631 đơn khiếu nại, tố cáo và đã giải quyết được 5.124 đơn; đã phát hiện và chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm… Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc việc phát hiện các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực còn hạn chế, chưa thực sự được quan tâm đúng mức; việc đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra còn để kéo dài, chưa thực hiện xong; sự phối hợp giữa các cơ quan điều tra với cơ quan kiểm tra Đảng và các cơ quan thanh tra trong công tác phát hiện, chuyển giao nguồn tin về tội phạm có lúc chưa được thường xuyên, chặt chẽ…
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi khẳng định, sau cuộc họp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có kế hoạch để khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế về công tác PCTN,TC; đẩy mạnh công tác kiểm tra và tiếp cận các tin tố giác tội phạm; qua đó xử lý một số vụ việc nghiêm khắc, nghiêm túc theo kiến nghị của Đoàn.