Các ngân hàng “đua” tăng lãi suất tiết kiệm
Các ngân hàng “đua” tăng lãi suất tiết kiệm
Từ đầu quý II cho tới nay, các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo chiều hướng tăng. Bước sang tháng 9/2022, xu hướng này tiếp tục “nở rộ”, nhiều ngân hàng đang tham gia vào “cuộc đua” lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã điều chỉnh lãi suất tăng rất mạnh, với mức tăng từ 0,2 – 0,95% tùy theo từng kỳ hạn. Tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng 0,2% lên 3,8%; tại kỳ hạn 6 tháng lãi suất tiết kiệm tăng 0,43% lên 5,3%; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,53% lên 6,1%; kỳ hạn 24 tháng tăng 0,95% lên 6,7%/năm.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động thêm 0,1 điểm % tại một số kỳ hạn kể từ ngày 29/8. Đối với gói Tài lộc, khách hàng ưu tiên hạng I và I Plus khi gửi số tiền từ 500 triệu đồng trở lên tại kỳ hạn 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,1 điểm % so với trước đó, lên 6,1%/năm.
Tương tự với khách hàng ưu tiên hạng E&P khi gửi tiền ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm cũng tăng 0,1 điểm % lên 6%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), các kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng, lãi suất huy động được điều chỉnh tăng thêm 0,1% lên mức 4%/năm; với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động tăng thêm 0,15% lên 6,5%/năm; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,1% lên 6,9 - 7%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn từ ngày 24/8 chủ yếu đối với hình thức gửi online. Chẳng hạn, tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,3 điểm % lên mức 6,9%/năm.
Hay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãi suất huy động tại một số kỳ hạn được điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm so với cùng kỳ tháng 8/2022, cụ thể: lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng đều tăng thêm 0,2%/năm; qua đó lần lượt niêm yết tại 5,4%/năm, 6,0%/năm, 6,4%/năm.
Lãi suất vẫn sẽ tiếp tục tăng?
Theo giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm đang tăng trở lại và có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm. Trong đó, 2 nguyên nhân chủ yếu là sự phục hồi kinh tế Việt Nam hậu đại dịch, và một số tác động của yếu tố lạm phát.
Theo đó, để thu hút dòng tiền trở lại ngân hàng, các ngân hàng thương mại buộc phải nâng lãi suất tiết kiệm nhằm cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán hoặc trái phiếu. Trong một phân tích gần đây, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng - tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào, nếu đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh, nên áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu, nếu hạn mức tín dụng được nới.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn, do mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34% và cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2022. Với phân tích đó, các chuyên gia của SSI dự báo: “Lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5%”.
Tương tự, trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 8/2022 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, lãi suất huy động từ đầu năm tới nay tại nhiều ngân hàng đã tăng từ 0,8 - 1%/năm và dự báo xu hướng này vẫn tiếp diễn. Mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng 1 - 1,5%/năm cho cả năm nay. Trong xu hướng này, người dân gửi tiết kiệm sẽ có lợi hơn so với các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng, trái phiếu.