Cán bộ, công chức chưa toàn tâm với công việc vì tiền lương thấp
Nội dung này được đề cập trong báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức, do Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng ký.
Tuyển dụng 2.242 công chức để bổ sung số nghỉ hưu, nghỉ việc, thôi việc
Báo cáo của Chính phủ nêu thông tin, giai đoạn 2020-2022, các bộ ngành, địa phương đã tuyển dụng hơn 18.800 công chức. 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương đã tuyển dụng 2.242 công chức để kịp thời bổ sung số công chức nghỉ hưu, nghỉ việc, thôi việc.
Riêng tuyển dụng thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, tính đến nay đã tuyển dụng được 334 người, trong đó có 167 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc; 167 cán bộ khoa học trẻ.
Về kết quả đánh giá công chức trong năm 2022, theo báo cáo của Chính phủ, có gần 18% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hơn 65% hoàn thành tốt nhiệm vụ; hơn 11% hoàn thành nhiệm vụ; gần 6% không hoàn thành nhiệm vụ. Tỷ lệ này tính trên tổng số gần 254.800 công chức.
Cạnh đó, đã xử lý hơn 12.600 công chức vi phạm trong năm 2021 (chiếm tỷ lệ hơn 5% trên tổng số 247.722 công chức). Năm 2022, số công chức bị xử lý vi phạm là 10.442 người (chiếm hơn 4%).
Còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ khi chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện
Đánh giá chung, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết công tác quản lý cán bộ, công chức đã có nhiều đổi mới, song vẫn còn hạn chế như chưa có nhiều chính sách thu hút, trọng dụng người tài; việc đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm còn chậm.
Còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ khi chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện; công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chất lượng chưa cao.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nội vụ, việc đánh giá cán bộ, công chức một số cơ quan, đơn vị còn chưa phản ánh đúng thực chất, chưa tạo động lực để phát huy hết năng lực của cán bộ, công chức.
Chính phủ cũng nhận định trật tự, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, vẫn còn biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, tổ chức.
“Một số nơi, người đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động, né tránh, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên”, theo báo cáo.
Phân cấp quản lý cán bộ gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm
Trong số các nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức còn thấp, chưa thực sự tạo động lực, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức tâm huyết, toàn tâm, toàn ý, cống hiến trong quá trình thực thi công vụ.
Trong khi đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn hạn chế; năng lực, phẩm chất, uy tín của một số cán bộ, công chức, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục rà soát để trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công vụ và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức.
Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh phân cấp về quản lý cán bộ, công chức gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm nhằm phát huy vai trò người đứng đầu; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực và xử lý nghiêm minh, kịp thời những sai phạm.
Trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024
Để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, từ ngày 1/7/2023 đã điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,80 triệu đồng (tăng 20,8%); đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức lương cơ sở cho phù hợp.
Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ đã trình Trung ương lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới tại Hội nghị Trung ương 8 đang diễn ra.
Tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 của Trung ương kể từ 01/7/2024.