1. Trang chủ /
  2. Cần chế tài nghiêm khắc với hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Cần chế tài nghiêm khắc với hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

thứ hai, 21/8/2023 22:27 GMT+07
Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được xem là giải pháp căn cơ nhằm bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại trên môi trường mạng đang diễn ra ngày càng phức tạp và để lại nhiều hệ lụy.
Luật sư tuyên truyền pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng tại trường THCS Lương Yên, Hà Nội (ảnh kinhtedothi).

Theo số liệu thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an: Hiện nay Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em (chiếm gần 25% dân số), trung bình khoảng 2/3 số trẻ em ở Việt Nam đã, đang tiếp cận, sử dụng internet. Trong quý I năm 2023, lực lượng Công an đã xác minh, xử lý 135 vụ, việc xâm hại trẻ em có yếu tố liên quan đến môi trường mạng, ngăn chặn hàng chục nghìn bài viết, trang mạng có nội dung độc hại đối với trẻ em trên môi trường mạng.

Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an cả nước tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, trong đó chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, tập huấn kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho trẻ em, học sinh, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em.

Song, vấn đề xâm hại trẻ em và người chưa thành niên trên môi trường mạng đang diễn ra tương đối phức tạp, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội về bảo vệ trẻ em đã và đang có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, xuất phát từ đặc tính phức tạp của môi trường mạng cũng như hạn chế về nhận thức của người dùng thực tế cho thấy công tác này còn nhiều khó khăn, thách thức.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, Bộ Công an cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó cần thường xuyên rà soát, đánh giá, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật, chính sách về hỗ trợ, bảo vệ trẻ em cũng như sửa đổi, bổ sung các chế tài nghiêm minh hơn trong xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi gây tổn hại về thể chất, tâm lý, tình cảm, danh dự, nhân phẩm cho trẻ em để tạo sức răn đe, phòng ngừa xã hội.

Cùng với đó, cần chú trọng giáo dục, tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho trẻ em. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ, ứng dụng viễn thông Internet và thông tin trên mạng.

Chung quan điểm cần thiết sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 423 Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng phải có mặt người đại diện của bị hại là người chưa thành niên tại phiên tòa xét xử. Nghiên cứu hoàn thiện Bộ luật Tố tụng Hình sự để cung cấp và hướng dẫn về việc hạn chế tiếp xúc giữa người bị hại hoặc người làm chứng là người chưa thành niên với người phạm tội, hướng dẫn quy trình đối chất và nhận dạng.

Nghiên cứu bổ sung quy định về vai trò của cán bộ công tác xã hội, cán bộ bảo vệ trẻ em trong hoạt động tố tụng hình sự liên quan đến người bị hại là người chưa thành niên. Cử cộng tác viên bảo vệ trẻ em để hỗ trợ người bị hại là người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực, xâm hại từ giai đoạn điều tra ban đầu đến khi kết thúc xét xử.

Còn đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND tối cao kiến nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác đồng thời đề nghị tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện từ sớm các vụ việc xâm hại trẻ em trên mạng.

Kiến nghị xây dựng quy trình trưng cầu giám định riêng đối với các vụ án xâm hại trẻ em đồng thời mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các chức danh tư pháp có liên quan để thống nhất áp dụng pháp luật, hạn chế thiếu sót trong xử lý tội phạm xâm phạm trẻ em. Đặc biệt là quan tâm triển khai đến các chính sách về giáo dục, văn hóa, y tế có liên quan đến trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

TAND tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn xét xử các vụ án xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, trong đó hướng dẫn một số nội dung như: Xác định tư cách tố tụng của chuyên gia tâm lý, Hội liên hiệp phụ nữ hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan giúp đỡ bị hại là trẻ em khi tham gia tố tụng là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại; xử lý các vụ án khi vắng mặt bị hại; xử lý đối với các vụ án bạo lực tinh thần…