Cần cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
Phát huy vị trí đầu tàu của cả nước
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XI và 05 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, TP tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; quy mô kinh tế tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt hơn 6.200 USD/người; số thu ngân sách chuyển về Trung ương cao nhất cả nước (27%); công tác giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân Thành phố từng bước được cải thiện và nâng cao.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 là quyết sách kịp thời, tạo không gian cho TP phát triển; đồng thời tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc cho TP. Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao.
Vì vậy, việc ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 là cần thiết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của TP; góp phần xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15.
Dự thảo Nghị quyết bao gồm 12 Điều, tập trung vào 7 nhóm cơ chế, chính sách, gồm: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP; các cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện cho TP phát triển
Tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính đề nghị TP phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, báo cáo nội dung đánh giá thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 cho phù hợp; cập nhật, bổ sung các nội dung TP đã thực hiện từ thời điểm Chính phủ báo cáo Quốc hội cho đến thời điểm xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14. Đồng thời, đồng chí thống nhất với đề xuất TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài (bao gồm cả hình thức vay nước ngoài hỗ trợ ngân sách TP), tuy nhiên đề nghị giữ mức dư nợ như quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 là 90%.
Cơ bản đồng tình với các nhóm chính sách đề ra tại Dự thảo Nghị quyết, đại diện Bộ Xây dựng đề nghị ban soạn thảo làm rõ các điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn các công trình công cộng (nhà, sân bãi để xe; nhà vệ sinh công cộng) trên đất do nhà nước quản lý. Đồng thời đề nghị cân nhắc việc phân quyền cho Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh được phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trong phạm vi khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp được giao quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc UBND TP.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá nội dung của dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Các chính sách được đề xuất có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, tính đổi mới, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện cho TP phát triển. Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Thứ trưởng đề nghị làm rõ những đặc thù này đã tạo thuận lợi thế nào cho người dân; đánh giá tác động kỹ lưỡng khi nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP cao hơn quy định của Luật PPP, tránh làm mất đi bản chất của phương thức PPP.
Bên cạnh đó, ban soạn thảo cần cân nhắc việc quy định chức năng nhận, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phục vụ cho đầu tư phát triển TP; đánh giá tác động kỹ lưỡng về mặt kinh tế, trình tự, thủ tục thực hiện việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon cần có.
Về việc cho phép sử dụng các mái của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn Thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, Thứ trưởng đề nghị bổ sung đánh giá tác động về chi phí để duy trì hệ thống điện mặt trời trong thời gian sử dụng để đánh giá hiệu quả kinh tế, tránh việc phải để doanh nghiệp bên ngoài lắp đặt nhằm mục đích kinh doanh.
Về ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá việc quy định “được tính vào chi phí đầu tư để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D bằng 150 chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp”, tránh việc phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư cũng đầu tư vào TP Hồ Chí Minh.