Cần cơ chế phù hợp để đảm bảo an toàn cho giao dịch bất động sản
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường Đại học Chu Văn An (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp) cho rằng, kinh doanh bất động sản là kinh doanh có điều kiện với nhiều tiêu chí được đặt ra để bảo đảm an toàn, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của các bên giao dịch.
Điều 57 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi chỉ bắt buộc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai phải qua sàn là hợp lý, nhưng sàn giao dịch bất động sản chỉ là nơi cung cấp, kê khai thông tin, còn an toàn pháp lý trong giao dịch bất động sản đòi hỏi chuyên môn pháp luật cao. Vì vậy, theo ông Liên, thực hiện công chứng là giữ an toàn pháp lý đối với giao dịch bất động sản, vừa bảo vệ quyền và lợi ích của các bên, vừa tạo sự ổn định xã hội.
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp bày tỏ băn khoăn khi quy định mua bán, giao dịch bất động sản của chủ đầu tư là pháp nhân thì phải qua sàn giao dịch bất động sản và không cần công chứng, còn mua bán giữa tư nhân với nhau lại phải qua công chứng? Theo bà Mai, công chứng là quá trình xác nhận về mặt nội dung của giao dịch, công chứng viên được đào tạo kỹ lưỡng để nhận biết các giao dịch về nội dung và hình thức. Điều này, các sàn giao dịch bất động sản có làm được không?
Toàn cảnh hội thảo.
Cần có cơ chế phù hợp
Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long, thực trạng thời gian qua cho thấy, không chỉ có người dân mà ngay cả cơ quan, doanh nghiệp, các chuyên gia pháp lý cũng rất khó khăn trong việc hiểu và áp dụng pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản.
Để bảo đảm an toàn cho các giao dịch kinh doanh bất động sản, ông Long cho rằng, cần có cơ chế phù hợp, bắt buộc để các giao dịch này phải được xem xét bởi các chuyên gia pháp lý, đặc biệt là các giao dịch mà một hoặc các bên là người tiêu dùng. Thời gian vừa qua, biện pháp đăng ký hợp đồng mẫu tỏ ra chưa thực sự hiệu quả, do vậy, có thể cân nhắc lựa chọn thiết chế công chứng vào một số giai đoạn khi tiến hành giao dịch.
Ví dụ như công chứng viên có thể cùng rà soát, xem xét các hợp đồng mẫu khi công ty kinh doanh bất động sản đăng ký với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng; công chứng tham gia vào quá trình đánh giá các điều kiện của bất động sản khi đưa vào giao dịch...
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng cho rằng, cần rà soát kỹ hơn yếu tố đồng bộ giữa các đạo luật với Luật Kinh doanh bất động sản. Hiện tại, một số luật có liên quan đang cùng được xây dựng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Công chứng, Luật Giao dịch điện tử… nên cần so sánh, đối chiếu và đồng bộ giữa các quy định liên quan đến giao dịch kinh doanh bất động sản.
Từ thực tiễn hành nghề, luật sư Nguyễn Thành Luân, Công ty Luật TNHH Hà Việt cho hay, các rủi ro trong giao dịch bất động sản đối với người mua (bên yếu thế) chủ yếu phát sinh từ các nguyên nhân chính sau: Chủ đầu tư kinh doanh bất động sản huy động vốn, kinh doanh khi chưa đủ điều kiện hoặc không tuân thủ các quy định theo pháp luật về kinh doanh bất động sản; việc công bố thông tin dự án bất động sản nói chung và các dự án bất động sản bị thế chấp/đủ điều kiện đưa vào kinh doanh nói riêng chưa được công khai, minh bạch, gây khó khăn cho người mua khi tìm kiếm thông tin...
Ông Luân cho rằng, Điều 45 Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần được giữ nguyên theo tinh thần của Luật kinh doanh bất động sản 2014, tuy nhiên cần bổ sung trường hợp công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản hình thành trong tương lai nếu giao dịch đó có một bên là cá nhân (bên yếu thế) yêu cầu. Đồng thời, ông Luân cũng đề nghị, ngoài hợp đồng mua bán nhà chung cư phải đăng ký hợp đồng mẫu theo quy định hiện hành, hiện nay, đối với các sản phẩm bất động sản khác mà có số lượng khoảng 100 sản phẩm trở lên (nhà thấp tầng, biệt thự, biệt thự nghỉ dưỡng, đất nền dự án, condotel, shophouse, officetel…) cũng phải đăng ký và áp dụng hợp đồng mẫu.
Còn theo công chứng viên Phạm Văn Vĩnh, Trưởng Văn phòng công chứng Phạm Văn Vĩnh (tỉnh Hải Dương), nên bắt buộc công chứng đối với các giao dịch kinh doanh bất động sản mà có ít nhất một bên là cá nhân hoặc tổ chức không có chức năng kinh doanh bất động sản...