1. Trang chủ /
  2. Cần sớm có giải pháp thống nhất nội dung sách giáo khoa và tiết kiệm chi phí

Cần sớm có giải pháp thống nhất nội dung sách giáo khoa và tiết kiệm chi phí

thứ tư, 2/8/2023 20:41 GMT+07
Sáng 2/8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội - Cơ quan Thường trực Đoàn Giám sát Quốc hội Khóa XV chủ trì Hội nghị Góp ý kiến về việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Thanh

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, hội nghị góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và có cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời hoàn thiện báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về nội dung nêu trên được sâu sắc, chất lượng và đạt hiệu quả cao.

Qua đó, để làm rõ hơn nữa những kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương. Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản phạm quy pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm cao, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận, trao đổi về việc đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; về các điều kiện đảm bảo triển khai, thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ở nội dung sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các đại biểu đi sâu phân tích về nội dung, chất lượng; về tài liệu giáo dục địa phương; về việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; về giá sách giáo khoa và in ấn, phát hành sách giáo khoa.

Về việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, thực tế đã có nhiều ý kiến băn khoăn về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa dùng trong cơ sở giáo dục và đào tạo nhưng thực tế vào đầu năm học một số trường học đưa danh mục bộ sách giáo khoa có sự không rõ ràng giữa sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo, sách bài tập dẫn đến chi phí mua sách đội lên rất nhiều; tình trạng giá sách giáo khoa nhiều thời điểm tăng cao, gây khó khăn, lãng phí tiền của nhân dân.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan cần sớm có giải pháp thống nhất nội dung sách giáo khoa và tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sách giáo khoa.

Thực tế, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang tồn tại việc trong cùng một địa phương có thể lựa chọn giảng dạy các bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông khác nhau. Điều này sẽ phát sinh những bất cập gây lãng phí, tốn kém khi một bộ sách giáo khoa không được sử dụng nhiều lần; gây thiếu đồng bộ trong việc tiếp cận kiến thức chung.

Có ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có cơ chế kiểm soát, quản lý đối với các địa phương trong việc in ấn, phát hành một số loại sách và thiết bị học tập dẫn đến tình trạng một địa phương phát hành độc quyền sách và ấn định việc sử dụng sách giáo khoa và thiết bị học tập nhất định cho địa phương mình.

Trước đó, về việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng với tình hình xã hội hiện nay; thực hiện giám sát nhằm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới; nghiên cứu và đưa ra chiến lược trong biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo tính bền vững tương đối; không nên thay đổi thường xuyên vì gây lãng phí; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của các bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng chương trình, sách giáo khoa phổ thông trước khi đưa vào giảng dạy để đảm bảo chất lượng và tổ chức đánh giá trong quá trình thực hiện để hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp; tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; mở các lớp tập huấn tại địa phương để đội ngũ giáo viên được tập huấn trực tiếp; chỉ đạo các đơn vị xuất bản sách giáo khoa hằng năm triển khai sớm hơn công tác giới thiệu sách giáo khoa để các cơ sở có thời gian nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Có hướng dẫn cụ thể về quy trình xuất bản và in ấn tài liệu giáo dục địa phương. Có chính sách trợ cấp học phí, mua sách giáo khoa với một số đối tượng ở vùng sâu, vùng xa hoặc vùng gặp thiên tai.