Cảnh báo chiêu lừa “đáo hạn ngân hàng”
Tháng 7/2023, Công an Thừa Thiên Huế bắt giam đối tượng Trần Đức Biểu (ngụ phường Trường An, TP Huế) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Biểu nguyên là nhân viên phòng giao dịch một ngân hàng chi nhánh ở Huế. Quá trình điều tra, Công an tỉnh xác định, trước đó, do có mối quan hệ thường xuyên giao dịch tại ngân hàng nên chị Hà (ngụ TP Huế) quen biết Biểu.
Lợi dụng mối quan hệ này, Biểu đã nhiều lần vay tiền chị Hà nhằm mục đích đáo hạn ngân hàng cho khách và trả lãi cho chị Hà. Sau nhiều lần trao đổi, lợi dụng sự tin tưởng của chị Hà, từ tháng 3/2021 đến cuối năm 2022, Biểu đã vay của chị 4 lần với tổng số tiền 5,4 tỷ đồng. Sau khi vay tiền từ chị Hà, Biểu không “đáo nợ” mà chiếm đoạt số tiền này để trả nợ và sử dụng vào mục đích cá nhân.
Mới đây, tháng 9/2023, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Lê Na (ngụ phường Xuân Phú, TP Huế) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Na nguyên là nhân viên giao dịch của một ngân hàng đóng tại TP Huế. Do có mối quan hệ thường xuyên giao dịch và quản lý nợ của anh Phi và chị Phương (ngụ TP Huế) nên Na đưa ra thông tin gian dối với hai người này để vay tiền nhằm mục đích đáo hạn ngân hàng và trả lãi đúng thời hạn.
Quá trình điều tra, công an xác định, đầu tháng 2/2023, anh Phi có nhu cầu vay thêm tiền tại ngân hàng nên đặt vấn đề với Na nâng hạng mục gói vay đang thế chấp nhà đất từ 3 lên 5 tỷ đồng. Na đồng ý thẩm định, giải ngân và làm hồ sơ trình cấp trên duyệt cho anh Phi vay thêm 1,8 tỷ đồng.
Trong thời gian này, Na đang nợ người khác số tiền hơn 2 tỷ đồng nên đề nghị anh Phi cho vay số tiền 1,8 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng, thời hạn vay từ 4 - 10 ngày, lãi suất 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Na hứa sẽ trả cả vốn cùng tiền lãi của khoản vay 1 tỷ đồng đã vay anh Phi trước đó.
Trước đó, từ giữa tháng 8/2022 đến tháng 2/2023, do tin tưởng Na, anh Phi cũng đã nhiều lần cho Na vay tiền với tổng số tiền là 7 tỷ đồng. Khi vay tiền, Na nói sử dụng để làm dịch vụ đáo hạn cho khách hàng. Thực tế, Na đã sử dụng số tiền này để trả nợ cho người khác và tiêu xài cá nhân.
Qua làm việc với một số bị hại trong các vụ án nói trên, Công an Thừa Thiên Huế xác định, để có được số tiền cho các đối tượng vay, phần lớn bị hại phải thế chấp nhà đất hoặc đi vay mượn, huy động từ người thân, bạn bè để nhằm hưởng chênh lệch.
Qua các vụ án nói trên, công an cảnh báo người dân cần thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn cho vay tiền để làm “dịch vụ đáo hạn ngân hàng”. Đặc biệt, khi những cán bộ, nhân viên làm ngân hàng đặt vấn đề vay mượn tiền để làm đáo hạn ngân hàng cho khách thì người cho vay càng phải cân nhắc tính toán.
Theo Công an Thừa Thiên Huế, thời gian qua, còn có một số đối tượng lợi dụng “mác” cán bộ ngân hàng để tạo niềm tin cho khách hàng rồi chiếm đoạt tài sản. Đơn cử, ngày 3/10, Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can Ngô Đình Quốc (ngụ TP Huế, nguyên cán bộ tín dụng một ngân hàng ở Huế) để điều tra hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết quả điều tra bước đầu, từ hoạt động kinh doanh bất động sản, anh Đỗ (ngụ phường An Cựu, TP Huế) có mối quan hệ thân thiết với Quốc. Do vậy, khi có giao dịch về buôn bán đất đai, anh Đỗ thường dẫn Quốc đi cùng để nhờ Quốc đứng tên sổ đỏ, thuận tiện cho việc giao dịch và mua bán. Sau khi giao dịch thành công, anh Đỗ hay cho tiền và thấy Quốc “cư xử đàng hoàng, đúng mực” nên rất tin tưởng.
Cuối tháng 9/2022, Quốc đặt vấn đề vay 5 tỷ đồng. Khi anh Đỗ trả lời không có tiền thì Quốc lấy lí do người thân ở Đồng Nai có nhà và xưởng may hiện đang thế chấp tại ngân hàng, đến thời kỳ trả nợ nhưng không có tiền trả. Quốc đề nghị anh Đỗ thế chấp căn nhà tại TP Huế) lấy 5 tỷ đồng cho Quốc mượn để trả tiền cho người thân ở Đồng Nai.
Tin tưởng Quốc nên anh Đỗ đồng ý. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Quốc đã không chuyển tiền cho “người thân” nào mà sử dụng số tiền này để trả nợ và tiêu xài cá nhân.