Cảnh báo ứng phó cháy xe mùa nắng nóng
Chiều 18/5, Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, đầu giờ chiều nay, trên Quốc lộ 32 (đoạn qua xã Hiệp Thuận), chiếc ô-tô 7 chỗ ngồi đang lưu thông thì bất ngờ bốc cháy; nguyên nhân ban đầu có thể do thời tiết quá nắng nóng khiến xe bốc cháy.
Trước đó, chiều ngày 17/5, lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội) cho biết, đang điều tra, làm rõ vụ cháy ô-tô BMW khi đang lưu thông trên đường theo hướng Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội).
Đại diện Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 cho biết: Sau 30 phút, đám cháy được khống chế. Vụ cháy không có thiệt hại về người, ô-tô bị hư hỏng. Thời điểm xảy ra vụ cháy, thời tiết Hà Nội nắng nóng. Nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định là do chập điện.
Cũng trưa 17/5, chiếc xe ô-tô đỗ trong khuôn viên của Trung tâm Thể dục thể thao quận Ba Đình bất ngờ bốc cháy. Phát hiện sự việc, bảo vệ của trung tâm dùng bình chữa cháy cầm tay để dập lửa nhưng bất thành. Sau ít phút, Đội chữa cháy Công an quận Ba Đình điều động 2 xe chữa cháy cùng cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập tắt đám cháy. Vụ cháy không có thiệt hại về người, tuy nhiên xe ô-tô bị thiêu rụi hoàn toàn; nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra, làm rõ.
Theo Thông tin của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, những năm gần đây có hơn 70% số vụ cháy xe ô-tô, xe máy chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân cháy. Các đám cháy thường xảy ra đột ngột, để lại hậu quả nặng nề, khó khắc phục.
Hiện tượng cháy ô-tô, xe máy không chỉ xảy ra với các loại xe cũ, mà có thể cháy cả đối với các xe mới. Xe có thể bốc cháy khi vừa khởi động hoặc đang di chuyển trên đường, có xe bốc cháy khi vừa dừng lại hoặc để trong nhà, để ở nơi công cộng.
Theo các chuyên gia các hãng xe, đăng kiểm: Thời tiết nắng nóng hiện nay là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ cháy nổ ô-tô. Thời tiết nắng nóng, ôtô vận hành liên tục trong nhiều giờ mà không được nghỉ để làm mát hợp lý, hoặc lỗi kỹ thuật, tác động bên ngoài đều có thể khiến xe bắt lửa ở một điểm và nhanh chóng lan ra cả xe.
Để bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy cho ô-tô, xe máy, Cục Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khuyến cáo mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy.
Đối với người sử dụng phương tiện không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như thiết bị bảo vệ, còi, đèn… Trong trường hợp lắp thêm phải bảo đảm an toàn, không bị quá tải về điện. Tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa nên thực hiện ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng.
Khi có hiện tượng khó nổ máy, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét, cần chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi có dấu hiệu khác thường.
Để xe trong nhà, nơi trông giữ xe phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt. Sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, chất lượng quy định. Không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh. Không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, dưới yên xe, trong khoang động cơ; chủ các phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị các bình chữa cháy phù hợp.
Theo các chuyên gia, đối với các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô-tô, xe máy: cần nâng cao chất lượng các chi tiết của sản phẩm như tăng hệ số an toàn của hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu, các vật liệu chế tạo phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và thích ứng với các loại nhiên liệu đang được sử dụng và lưu hành trên thị trường.
Những lưu ý cần thiết khác là nghiên cứu sử dụng các ống dẫn nhiên liệu, dây dẫn điện bằng chất liệu chống cháy, chống chuột cắn, có độ bền cao; có hướng dẫn chính xác, thông báo rõ ràng trong các sổ tay hướng dẫn sử dụng và tại các trạm bảo hành xe máy về loại nhiên liệu được phép sử dụng cho sản phẩm của mình như: loại xăng, trị số octan tối thiểu, lượng ethanol, methanol, các chất phụ gia trong nhiên liệu cho phép sử dụng với loại động cơ.
Đối với các cửa hàng, đại lý, bảo dưỡng, sửa chữa ô-tô, xe máy: nâng cao chất lượng các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, không vì lợi nhuận mà thay thế các linh kiện, chi tiết kém chất lượng; không lắp đặt tùy tiện các chi tiết không có trong thiết kế, nhất là đối với hệ thống điện và hệ thống nhiên liệu.
Đối với các điểm trông giữ ô-tô, xe máy, chủ các dịch vụ trông giữ xe ô-tô, xe máy phải trang bị đầy đủ các loại phương tiện chữa cháy theo quy định và theo hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy.
Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có quy hoạch khu vực gửi xe, sắp xếp xe thuận tiện, dễ dàng sơ tán xe khi có cháy; yêu cầu nhân viên làm việc phải có kiến thức, được huấn luyện, đào tạo thành thạo các biện pháp, phương pháp chữa cháy, xử lý sự cố ban đầu.
Chủ các tòa nhà có dịch vụ trông giữ ô-tô, xe máy trong ga ra, trong nhà, dưới các tầng hầm ngoài việc thực hiện các quy định trên, phải lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động theo quy định của pháp luật, phải được kiểm tra, bảo trì thường xuyên.
Khi xảy ra cháy nổ hoặc phát hiện thấy có khói hoặc nhiệt độ cao bất thường, cần bình tĩnh tắt khóa điện, đỗ, dựng xe ở lề đường xa nơi tập trung người, nơi có nhiều chất dễ cháy; khi cháy xe ô tô cần tìm mọi cách đưa người thoát ra khỏi xe nhanh chóng, sau đó tìm cách chữa cháy.
Khóa ngay bình xăng nếu có thể đối với các xe có thiết kế khóa xăng. Sau đó, dùng bình chữa cháy, cát, nước để chữa cháy đồng thời hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy. Gọi điện báo ngay cho cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy theo số điện thoại 114 hoặc cho Công an, chính quyền địa phương,… nơi gần nhất để phối hợp chữa cháy, có biện pháp xử lý phù hợp. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, nếu không có khả năng dập tắt đám cháy cần nhanh chóng rời xa phương tiện đang cháy đến vị trí an toàn.