Cảnh giác với bẫy đáo hạn ngân hàng
Thời gian gần đây, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của nhiều bạn đọc liên quan đến việc ông Đ.V.T lấy danh nghĩa cán bộ ngân hàng vay tiền để đáo hạn nhưng lại có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.
Lấy lý do nguồn khách vay tiền ngân hàng đến thời điểm trả nợ nhưng chưa có khả năng chi trả, buộc phải kiếm nguồn khác để trả tiền sau đó tiếp tục vay lại ngân hàng, ông Đ.V.T hứa sau khi “đáo hạn ngân hàng” xong, ông T. sẽ trả cả gốc lẫn lãi cao. Khi đã lấy được niềm tin của người cho vay mượn tiền, ông T. lại có dấu hiệu chiếm đoạt trong những lần vay mượn tiền tiếp theo.
Cụ thể, chị V.T.N. Hân ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa biết ông Đ.V.T là một cán bộ làm trong một ngân hàng lớn tại TP Biên Hoà nên trao đổi hợp tác làm đáo hạn ngân hàng. Ông T. thuyết phục chị Hân đầu tư vốn kèm theo lời hứa cho hưởng chênh lệch từ 3 đến 4 phần trăm. Tin tưởng ông T. là cán bộ ngân hàng và là Đảng viên nên chị Hân đã cho ông T vay 500 triệu đồng.
Khi nhận được số tiền 500 triệu đồng, ông T. tiếp tục gọi chị Hân lên ngân hàng và nói là có sự trục trặc trong giải ngân nên cần gấp 2 tỷ 900 triệu đồng để nộp gấp cho ngân hàng rồi giải ngân lấy tiền trong ngày cả vốn lẫn lãi. Một lần nữa, do nhẹ dạ, chị Hân đã đưa cho ông T. 500 triệu trước đó nên chị Hân tiếp tục đánh liều đưa thêm 2 tỷ 900 đồng rồi chờ ở ngân hàng trong ngày đó để lấy tiền tổng cộng là 3 tỷ 400 triệu đồng.
Sau khi có được tiền, ông T. liên tục né tránh chị Hân. Thời gian sau này, chị Hân liên tục tìm cách để liên lạc với ông T., nhưng cựu cán bộ ngân hàng này vẫn bặt vô âm tín. Chị Hân tìm đến ngân hàng thì được biết ông đã xin nghỉ hưu vào năm 2020.
Cũng như chị Hân, chị N.N.Loan (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) biết đến ông T. là nhân viên của ngân hàng và là trưởng phòng rủi ro, chuyên làm hồ sơ hết hạn kêu gọi đưa tiền vô. Tin tưởng ông T. là người của ngân hàng nên chị Loan đã viết giấy tay cho ông T. mượn số tiền là 380 triệu đồng. Nhưng sau khi có được tiền, lúc này chị Loan hẹn ông T. thì ông T. liên tục lấy lý do hồ sơ này nọ và hẹn khất lần với chị Loan. Đến thời điểm hiện tại đã hơn 2 năm nay, chị Loan vẫn chưa lấy được tiền lời mà số tiền gốc cũng không biết đã đi về đâu.
Tương tự, được bạn bè giới thiệu, biết tới ông T. là người làm hồ sơ đáo hạn, sau đó anh T.Đ.Phú đã cho mượn tiền với số tiền 2 tỷ đồng. Sau khi làm hợp đồng vay tài sản, ông T. cũng có một vài lần đưa lời cho anh Phú để lấy lòng tin, sau đó thì “mất hút” không còn liên lạc được với ông T. nữa.
Chiều ngày 14/2/2022, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trong vai một người có tài chính và có nhu cầu đáo hạn ngân hàng, qua lời giới thiệu của anh Quang – người quen cũ của ông T. đã có cuộc gặp gỡ và bàn bạc về vấn đề cần đáo hạn với ông T.
Qua lời giới thiệu của anh Quang, phóng viên vào vai là người có số vốn 2 tỷ đồng, chưa biết gì nhiều về giao dịch đáo hạn này. Trước giờ, mặc dù đã từng tham gia, nhưng đều gửi gắm cho anh Quang và đến hiện tại vẫn chưa xảy ra rủi ro gì.
Sau khi biết “con mồi” gửi tiền cho anh Quang giao dịch đáo hạn thì ông T. rất cẩn trọng trong lời nói của mình và luôn luôn nhắc nhở “con mồi” khi tham gia phải cẩn thận trong cách đáo hạn. Và luôn gợi ý sau này nếu có cơ hội, hay không tham gia với anh Quang nữa thì có thể tham gia cùng với ông T.
Ngay sau buổi giới thiệu từ anh Quang, ông T. liền nhắn anh Quang có hồ sơ 600 triệu cần chuyển qua cho “con mồi” cùng tham gia.
Tiếp tục sáng ngày 16/2, ông T. có hẹn với chúng tôi tại địa điểm cũ. Sau khi trao đổi, anh Quang và Ông T. thống nhất với nhau lần này sẽ để ông T. làm việc trực tiếp với “con mồi”. Ông T. nói với “con mồi” hãy yên tâm và tin tưởng vì ông T. còn thường xuyên làm với số tiền lớn hơn, số tiền 600 triệu mà “con mồi” chuẩn bị tham gia chỉ là số tiền nhỏ. Khi “con mồi” và ông T. đang thống nhất thì chị Hân ập tới để đòi nợ và gây ra tranh cãi. Ông T. liên tục nói đã đã trả cho chị Hân rồi và quên giấy chứ không có chuyện không trả hay lấy không tiền của ai hết.
Nhìn thấy lợi ích giải quyết khó khăn tài chính trước mắt nên đã có nhiều người phải “ôm hận” khi tham gia hoạt động tưởng như đầy béo bở này. Với thủ đoạn và những “câu chuyện” dựng sẵn lặp đi lặp lại nhưng vẫn rất nhiều người rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo có ý định chiếm đoạt tài sản. Người dân cần phải đề cao cảnh giác trước mánh khoé để không rơi vào hoàn cảnh bị tiền mất tật mang.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.