1. Trang chủ /
  2. Chấn chỉnh tình trạng ứng xử lệch chuẩn: Sẽ không chỉ là khuyến nghị!

Chấn chỉnh tình trạng ứng xử lệch chuẩn: Sẽ không chỉ là khuyến nghị!

thứ sáu, 23/6/2023 18:18 GMT+07
Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đồng loạt đồng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) nói chung và với nghệ sĩ nói riêng. Tuy nhiên, hiệu quả của những văn bản này chưa thực sự rõ rệt trong thời gian qua.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly trả lời phỏng vấn Báo Nhà báo và Công luận. Ảnh: Hữu Kế

Tình trạng phát ngôn, ứng xử “lệch chuẩn” văn hóa, đạo đức vẫn thường xuyên xuất hiện, trong đó có không ít của nghệ sĩ. Đó là lý do dẫn đến việc các cơ quan chức năng buộc phải thực hiện những bước đi quyết liệt hơn.

Tại sao Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH bị xem nhẹ?

Trước thực trạng văn hóa ứng xử trên cộng đồng mạng ngày càng hỗn loạn và độc hại, thậm chí đến mức báo động, nhất là sau hàng loạt lùm xùm liên quan đến phát ngôn và ứng xử thiếu chuẩn mực trên MXH liên quan tới giới nghệ sĩ hay KOLs (người có ảnh hưởng), ngày 17/6/2021, Bộ TT&TT có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH.

Đến ngày 13/12/2021, Bộ VH-TT&DL ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Hai quyết định này được xem là “bản hướng dẫn” đầy đủ, định hướng cho mọi cá nhân sử dụng MXH. Song, gần hai năm qua, các chuyên gia và nhà quản lý đều thấy rằng Bộ Quy tắc này chưa được thực hiện nghiêm túc trong đời sống xã hội.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho môi trường mạng trở nên hỗn loạn và độc hại. Điều này được chỉ ra ở nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, trao đổi chuyên môn, lý giải cho hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực trên MXH của nhiều người, trong đó có các nghệ sĩ. Các chuyên gia chỉ ra rằng, nếu như trong đời thực, tính chất giao tiếp trực tiếp và áp lực dư luận xã hội lẫn các chế tài luật pháp có thể điều chỉnh hành vi của con người, thì môi trường mạng lại khá lỏng lẻo, ít tính răn đe hơn. Đó là một phần lý do khiến những người tham gia vào MXH chưa có ý thức tuân thủ các quy tắc, hay khuyến cáo.

Ở góc độ những người làm văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng có những nguyên nhân khác nhau khiến cho nghệ sĩ liên tiếp vướng vào scandal mà chưa hẳn đến từ sự nuông chiều của khán giả.

Chẳng hạn như áp lực cạnh tranh quá lớn của ngành công nghiệp giải trí, sự lỏng lẻo trong quản lý MXH, lợi ích quá lớn trong khi xử phạt không đủ sức răn đe, thậm chí do nhận thức chưa đầy đủ của chính nghệ sĩ. Kể cả lý do nghệ sĩ cũng giống như bất kỳ con người nào khác, họ có thể mắc lỗi và gặp phải những vấn đề trong cuộc sống.

“Chúng ta nghe nhiều đến những từ như “anh hùng bàn phím”, “tay nhanh hơn não”... như là những đặc điểm tính cách điển hình của thời đại số. Nhiều nghệ sĩ tự cho mình quyền tự do phán xét, bình phẩm người khác mà không chịu trách nhiệm về những phát ngôn, chia sẻ của mình. Không gian mạng tạo điều kiện cho họ thể hiện điều đó mà ít có những chế tài để họ phải chịu trách nhiệm. Thêm vào đó, những tung hô, chia sẻ trên mạng theo hướng tiêu cực càng khiến họ “say mê”, “hùng hổ” hơn với những thông tin thiếu trách nhiệm”, ông Bùi Hoài Sơn cho biết thêm.

Tại hội thảo do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức ngày 27/2/2023, với chủ đề Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng, NSND Bùi Thanh Trầm đánh giá: Một số nghệ sĩ chưa ý thức rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, chưa thấy được mối quan hệ giữa người nghệ sĩ - công dân nên thường để cho cái tôi cá nhân, chủ quan lấn át, chi phối.

Những vụ việc gây ồn ào dư luận và cộng đồng mạng thời gian qua như: phát ngôn gây sốc, thiếu chuẩn mực, quảng cáo cho hàng hóa chưa được kiểm định, không giữ gìn hình ảnh, lối sống, sinh hoạt kệch cỡm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam… làm “ô nhiễm” môi trường không gian mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý tiếp nhận, tư tưởng, tình cảm của công chúng, làm dấy lên những lo ngại về ứng xử của nghệ sĩ sau ánh đèn sân khấu.

Một phần lý do “đáng buồn” nữa là trong thời gian qua không ít các nhãn hàng, doanh nghiệp và cả chính những nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi, sự nổi danh của mình để thương mại, kiếm tiền, mà cụ thể là quảng cáo. Nhiều nghệ sĩ vì đồng tiền “bán rẻ” nhân cách, sẵn sàng kí hợp đồng quảng cáo các mặt hàng chưa kiểm nghiệm, nhất là thuốc chữa bệnh. Rồi sự “háo danh”, ảo tưởng quyền lực khiến không ít nghệ sĩ “mờ mắt”, sinh ra sự thiếu khiêm nhường trong ứng xử với công chúng hâm mộ.

Mặc dù Bộ quy tắc ứng xử của Bộ VH-TT&DL và Bộ TT-TT nêu khá rõ hầu hết các tình huống nên tránh khi tham gia MXH, nhưng dường như không ít nghệ sĩ “bất chấp” tất cả để đạt mục đích của mình.

chan chinh tinh trang ung xu lech chuan se khong chi la khuyen nghi hinh 2
Các nghệ sĩ vi phạm quy tắc trên MXH sẽ phải chịu những hình thức xử phạt cụ thể. Ảnh: internet

Sẽ có xử phạt cụ thể, không chỉ là khuyến nghị

Chia sẻ quan điểm về việc một số chuyên gia đánh giá Bộ Quy tắc ứng xử của Bộ VH-TT&DL chưa hiệu quả, bởi thiếu tính răn đe do không có chế tài xử lý, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết: “Bộ Quy tắc ứng xử dùng để khuyến khích, khuyến cáo chứ không phải luật. Cho nên, Bộ Quy tắc ứng xử là công cụ chủ yếu để các đơn vị dựa vào đó để xây dựng bộ quy chế ứng xử trong cơ quan của mình, hay với các cá nhân thì họ lấy đó để soi chiếu, để ứng xử cho phù hợp. Khi cá nhân vi phạm, sẽ có bộ phận khác nhau xử lý. Ví dụ, anh là công chức, viên chức hay anh thuộc phạm vi của tổ chức nào thì tổ chức đó sẽ xử lý”.

Để chấn chỉnh tình trạng ứng xử lệch chuẩn trên không gian mạng của nghệ sĩ, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) đang phối hợp tích cực để hoàn tất quy trình xử phạt các nghệ sĩ vi phạm trước tháng 10/2023.

Theo bà Trần Ly Ly, các đơn vị thuộc Bộ VH-TT&DL đang nghiên cứu các biện pháp cụ thể trên tinh thần thận trọng và toàn diện. Vụ pháp chế của Bộ VH-TT&DL tập hợp ý kiến từ các nơi để xây dựng quy trình, trong đó Cục nghệ thuật biểu diễn, Cục điện ảnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tạo ra quy trình phối hợp với các đơn vị khác.

Bàn về dự thảo cách thức xử phạt, bà Trần Ly Ly khẳng định quan điểm “không cấm sóng” với nghệ sĩ vi phạm: Tùy vào mức độ vi phạm sẽ có các cách thức để hạn chế sự xuất hiện của các nghệ sĩ vi phạm, như hạn chế xuất hiện trong lĩnh vực biểu diễn hay hạn chế xuất hiện trên truyền thông, truyền hình.

Đồng thời, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng nhấn mạnh sự phối hợp liên ngành trong việc xử lý các nghệ sĩ vi phạm, “Bộ VH-TT&DL không chịu trách nhiệm đơn thuần về câu chuyện sai phạm của các KOLs. Ví dụ, các KOLs vi phạm trên MXH, thì cần có bộ phận liên ngành xử lý, như Bộ TT-TT là đơn vị phối hợp với các Cục để xem xét, tìm hiểu vấn đề. Rồi liên ngành xem xét KOLs thuộc bộ phận nào quản lý thì bộ phận đó sẽ tính toán mức độ vi phạm. Các vi phạm trên MXH thường rất khác nhau. Chẳng hạn, anh có vi phạm thuần phong mỹ tục của hoạt động đó không? Hoặc phát ngôn của nghệ sĩ đó thuộc đơn vị nào quản lý?... Nếu anh vi phạm thuần phong mỹ tục và các quy định khác của pháp luật thì Bộ Công an phải vào cuộc”.

chan chinh tinh trang ung xu lech chuan se khong chi la khuyen nghi hinh 3
Quang cảnh Hội thảo "Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng" do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức ngày 27/2/2023. Ảnh: Ngọc Ánh

Đánh giá về việc giám sát, quản lý các hoạt động trên cộng đồng mạng, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói: “Chúng ta đã ban hành nhiều quy định để giúp làm lành mạnh môi trường văn hóa, tuy nhiên, cần có thêm giải pháp phù hợp hơn nữa để ứng phó với sự đa dạng và phức tạp của thị trường giải trí. Việc ban hành quy định dù cần có thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả, nhưng chắc chắn sẽ đem lại một số chuyển biến tích cực trong việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật. Tôi tin rằng, quy định trên của Bộ TT-TT và Bộ VH-TT&DL là biện pháp để tăng cường trách nhiệm của các nghệ sĩ với công chúng và giúp đảm bảo sự chuyên nghiệp trong ngành giải trí, cũng như khiến họ có ý thức tự giác hơn về hành vi của mình trên MXH và trên các chương trình truyền hình, hay ngay cả trong cuộc sống”.

Tuy nhiên, ông Bùi Hoài Sơn cũng bày tỏ việc áp dụng quy định xử phạt cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy không mong muốn. Để giúp các nghệ sĩ nghiêm túc hơn với nghề, cần có các chương trình đào tạo và hỗ trợ nhằm giúp họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc truyền tải thông tin đến khán giả và cộng đồng. Cần có sự thay đổi về cách thức hoạt động của ngành giải trí để đảm bảo sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao của các nghệ sĩ.