1. Trang chủ /
  2. Chiến sự Sudan: Các phe phái đổ lỗi cho nhau, giao tranh tiếp tục

Chiến sự Sudan: Các phe phái đổ lỗi cho nhau, giao tranh tiếp tục

thứ hai, 1/5/2023 09:07 GMT+07
Các lực lượng quân sự đối địch ở Sudan đã cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn mới vào Chủ nhật (30/4), đồng thời tiếp tục tiến hành các cuộc giao tranh làm dấy lên mối nguy nội chiến ở quốc gia lớn thứ ba châu Phi này.
Giao tranh vẫn diễn ra ở Thủ đô Khartoum và những thành phố khác của Sudan bất chấp lệnh ngừng bắn. Ảnh: AP

Giao tranh vẫn diễn ra ở Thủ đô Khartoum và những thành phố khác của Sudan bất chấp lệnh ngừng bắn. Ảnh: AP

Phớt lờ lệnh ngừng bắn

Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương kể từ khi cuộc chiến quyền lực âm ỉ giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự bùng phát thành xung đột vào ngày 15/4.

Cả hai bên cho biết một thỏa thuận ngừng bắn chính thức sắp hết hạn vào lúc nửa đêm Chủ nhật sẽ được kéo dài thêm 72 giờ nữa, trong một động thái mà RSF cho biết là "đáp lại các lời kêu gọi quốc tế, khu vực và địa phương".

Trong khi đó, quân đội Sudan cho biết họ hy vọng "quân nổi dậy" sẽ tuân thủ thỏa thuận nhưng họ cho rằng đối phương có ý định tiếp tục các cuộc tấn công. Do vậy, các bên đã tiếp tục chiến đấu.

Quân đội Sudan cho biết hôm Chủ nhật rằng họ đã phá hủy các đoàn xe RSF đang di chuyển về phía Khartoum. RSF cho biết quân đội đã sử dụng pháo binh và máy bay chiến đấu để tấn công các vị trí của họ tại một số khu vực ở Khartoum.

Nhằm tăng cường lực lượng của mình, quân đội Sudan thông báo hôm thứ Bảy rằng Cảnh sát Dự bị Trung ương đã bắt đầu triển khai ở phía Nam Khartoum và sẽ được triển khai dần dần ở các khu vực khác của thủ đô nước này.

Cảnh sát Sudan cho biết lực lượng này đã được triển khai để bảo vệ các khu chợ và tài sản bị cướp phá. Lực lượng này được trang bị vũ khí hạng nặng và đến từ lực lượng cảnh sát Sudan có kinh nghiệm chiến đấu ở các cuộc xung đột tại Darfur và ở dãy núi Nuba ở miền Nam Sudan.

Vào tháng 3 năm 2022, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lực lượng cảnh sát dự bị nói trên, cáo buộc lực lượng này sử dụng vũ lực quá mức đối với những người biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự năm 2021 .

Các cuộc giao tranh đã khiến lực lượng RSF tỏa ra khắp thành phố Khartoum khi quân đội cố gắng nhắm mục tiêu vào họ chủ yếu bằng cách sử dụng các cuộc không kích từ máy bay không người lái và máy bay chiến đấu.

Cuộc xung đột đã khiến hàng chục nghìn người chạy trốn qua biên giới của Sudan và đưa ra cảnh báo rằng đất nước này có thể sa vào vào nội chiến, gây bất ổn cho một khu vực vốn đã nghèo khó và đầy biến động này.

Triển vọng đàm phán ảm đạm

Triển vọng cho các cuộc đàm phán đang rất ảm đạm. "Không có đàm phán trực tiếp, dù có sự chuẩn bị cho các cuộc đàm phán", đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc tại Sudan, Volker Perthes, nói với các nhà báo ở Port Sudan, nhưng cho biết thêm rằng các nước trong khu vực và quốc tế đang làm việc với hai bên.

Lãnh đạo quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã nói rằng ông sẽ không bao giờ ngồi lại với người đứng đầu RSF, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, còn được gọi là Hemedti, người nói rằng ông sẽ chỉ nói chuyện sau khi quân đội ngừng nổ súng.

Liên hợp quốc báo cáo chỉ có 16% cơ sở y tế ở Khartoum hoạt động bình thường, dù Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) hiện đã chuyển thêm 8 tấn viện trợ y tế.

Các hoạt động cứu trợ của cộng đồng quốc tế đang bị đình chệ. Cho đến nay, ít nhất 5 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh. Lưu ý, 1/3 trong số 46 triệu người Sudan cần viện trợ nhân đạo trước khi cuộc chiến bắt đầu.

Xung đột đã làm chệch hướng quá trình chuyển đổi dân chủ được quốc tế hậu thuẫn ở Sudan, nơi cựu Tổng thống độc tài Omar Hassan al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019 sau ba thập kỷ cầm quyền.

Bộ Y tế Sudan cho biết ít nhất 528 người đã thiệt mạng và 4.599 người bị thương kể từ khi xung đột nổ ra. Liên hợp quốc đã báo cáo số người chết tương tự, nhưng tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.