Chính quyền quân sự Mali công bố hiến pháp mới gây tranh cãi
Đại tá Assimi Goita - người đứng đầu chính quyền quân sự Mali - ngày 22/7 đã công bố bản Hiến pháp mới, tuy nhiên động thái này vấp phải làn sóng phản đối từ các đối thủ chính trị và các tổ chức xã hội có liên quan.
Giới lãnh đạo quân sự coi bản hiến pháp này là nền tảng cho quá trình tái thiết Mali, quốc gia đang phải đối mặt với các cuộc tấn công lan rộng của các phần tử Hồi giáo cực đoan và cuộc khủng hoảng sâu sắc trên nhiều phương diện.
Theo cơ quan bầu cử Mali, 97% số phiếu trưng cầu ý dân hồi tháng trước đã ủng hộ những nội dung thay đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ ở mức 38%.
Bản hiến pháp mới đã được ông Goita công bố trên công báo vào ngày 22/7. Đáng chú ý, một số kiến nghị gửi lên Tòa án Hiến pháp Mali đã bị bác bỏ, trong đó có lời kêu gọi hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân bởi vì sự kiện này không được tổ chức trên quy mô toàn quốc.
Những người phản đối cho rằng cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức để duy trì quyền lực cho các chỉ huy quân đội Mali sau cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 2/2024, bất chấp cam kết ban đầu về kế hoạch chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự sau cuộc bầu cử.
Hiến pháp mới sẽ tăng cường vai trò của Tổng thống Mali, khi ông Goita dự định sẽ tranh cử vị trí này.
Mali đã chìm sâu trong khủng hoảng an ninh, chính trị và nhân đạo kể từ năm 2012. Hai cuộc đảo chính quân sự đã xảy ra tại nước này trong vòng chưa đầy một năm (tháng 8/2020 và tháng 5/2021).
Đầu năm 2022, cơ quan lập pháp Mali do quân đội kiểm soát đã thông qua kế hoạch cho phép chính quyền quân sự nắm quyền lãnh đạo trong tối đa 5 năm./.