Chỉnh sửa quy định quyền, nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Sáng nay, 15/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất các phương án chính sách về các nội dung đã báo cáo, xin ý kiến tập trung thảo luận của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Cụ thể, về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chỉnh sửa các quy định tại dự thảo Luật theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước) và giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào trong nước. Quy định tại dự thảo Luật đã được rà soát, bảo đảm thống nhất với Luật Quốc tịch.
Trường hợp người gốc Việt Nam thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản, làm chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thì việc xác định chủ thể có quyền thực hiện dự án theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.
Về phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 28), dự thảo Luật giữ quy định của Luật Đất đai năm 2013 về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao (Điều 28), đối với các khu vực khác tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được tiếp cận đất đai thông qua hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, dự thảo Luật đã có quy định về trường hợp thu hồi đất đối với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật tại khoản 31 Điều 79, như vậy, đã cơ bản giải quyết được vướng mắc trong việc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài triển khai thực hiện các dự án có sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư.
Về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản (Điều 117, khoản 3 Điều 119, khoản 6 Điều 124 và điểm a khoản 3 Điều 155), để cải thiện về thủ tục hành chính về đất đai khi tổ chức kinh tế thực hiện chuyển nhượng dự án bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và bảo đảm nghĩa vụ tài chính về đất được kế thừa từ bên chuyển nhượng sang bên nhận chuyển nhượng đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng tương xứng như đối với trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế trong nước, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng Nhà nước không thu hồi đất mà giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất theo hình thức không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
Đồng thời, bên nhận chuyển nhượng được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ sau khi bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Không áp dụng quy định thời điểm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất mà giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng bên nhận chuyển nhượng dự án được tiếp tục kế thừa nghĩa vụ tài chính về đất của bên chuyển nhượng.