1. Trang chủ /
  2. Chớ nếm thử món ăn "tử thần" vì tò mò, thiếu hiểu biết

Chớ nếm thử món ăn "tử thần" vì tò mò, thiếu hiểu biết

thứ năm, 21/9/2023 22:39 GMT+07
Mới đây đã xảy ra vụ ngộ độc cá nóc khiến 3 người cùng trú tại Thuận Nam, Ninh Thuận, phải nhập viện, trong đó 1 người đã tử vong. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người vì tò mò, thiếu hiểu biết mà vẫn cố tình sử dụng món ăn nguy hiểm này.
Cá nóc là món ăn "tử thần" vì chứa độc tố nguy hiểm
Cá nóc là món ăn "tử thần" vì chứa độc tố nguy hiểm

Chỉ từ 1-2mg độc tố cá nóc có thể gây chết người

Trong thời gian qua, rất nhiều người ở khu vực Nam Trung Bộ bị ngộ độc cá nóc, có người đã tử vong.

Mới nhất là trường hợp của ông Huỳnh Văn C (sinh 1989), Đỗ Văn Ph (sinh năm 1989), Đỗ Tài Tr (sinh năm 1988) đều trú Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) cùng lúc bị ngộ độc cá nóc. Sau khi nhập viện cấp cứu, ông C đã tử vong ngày 16/9, hai ông Tr và Ph may mắn được cứu sống.

Một ca cấp cứu do ngộ độc thực phẩm tại BVĐK tỉnh Khánh Hòa (Ảnh minh họa)

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin, tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá. Độc tố này tăng mạnh vào mùa cá sinh sản (từ tháng 2 đến tháng 7).

Thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt sẽ gây độc khi dùng. Độc tố trong cá nóc độc tới mức, chỉ cần ăn khoảng 10g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim... với tỉ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm; Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.

Ngoài ra, độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100 độ C trong sáu giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn.

Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra do độc tố chưa bị phá hủy hết. Ngay cả khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá hủy nên vẫn gây ngộ độc.

Dù thông tin về độc tố của cá nóc đã được cảnh báo tại nhiều cơ sở y tế và phương tiện truyền thông nhưng nhiều ngư dân hoặc người dân vẫn cố tình chế biến và ăn các món chế biến từ cá nóc dẫn đến ngộ độc nguy kịch.

Các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo người dân không nên ăn khi không nắm rõ cách chế biến loại cá có độc này nhưng không ít người vẫn sử dụng cá nóc làm thức ăn dẫn tới bị ngộ độc, tử vong. Thậm chí nhiều người biết món ăn này có độc mà vẫn muốn "nếm" thử... cho biết cảm giác ăn món "tử thần".

Các triệu chứng ngộ độc cá nóc

Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Mạnh, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec cho biết, tetrodotoxin là chất độc không protein, tan trong nước và không bị nhiệt phá hủy (nấu chín hay phơi khô) nhưng bất hoạt trong môi trường acid hoặc kiềm mạnh.

Tetrodotoxin được hấp thụ nhanh chóng qua đường tiêu hóa sau 5-15 phút và đạt đỉnh nồng độ sau 20 phút, thải trừ đáng kể qua nước tiểu. Độc chất này ảnh hưởng rất lớn tới hệ thần kính, ức chế kênh natri, đặc biệt là ở cơ vân dẫn tới cản trở phát sinh điện thể và dẫn truyền xung động với hậu quả chính là liệt cơ và suy hô hấp.

Cá nóc là món ăn "tử thần" vì chứa độc tố nguy hiểm

Biểu hiện của người bị ngộ độc cá nóc thường xảy ra sau 10-45 phút sau khi ăn cá nóc còn độc tố, kể cả khô hay ruốc cá.

Ban đầu, người bệnh sẽ thấy tê miệng, lưỡi, 2 môi, tăng tiết nước bọt, buồn nôn và nôn, kèm theo đó có thể có các triệu chứng như: Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó nói, ngón tay, bàn tay, bàn chân tê yếu, mất phản xạ, hạ huyết áp nghiêm trong.

Trong 4- 6 giờ, các triệu chứng của bệnh nhân có thể tiến triển nặng thêm và dẫn tới tê liệt, mất ý thức cuối cùng là suy hô hấp và tử vong.

Để phân độ tác động gây độc của tetrodotoxin có thể chia làm 4 mức ảnh hưởng về thần kinh và tim mạch như sau: Độ 1: Bệnh nhân chỉ tê bì, dị cảm quanh miệng, có thể có hoặc không có triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy; Độ 2: Tê bì ở lưỡi lan lên mặt, đầu chi và các vùng khác, liệt vận động và thất điều, nói ngọng, đau đầu vã mồ hôi nhưng các phản xạ vẫn bình thường; Độ 3: Bệnh nhân co giật, liệt mềm toàn thân, suy hô hấp, nói không thành tiếng, đồng tử giãn tối đa mất phản xạ ánh sáng, có thể vẫn còn tỉnh; Độ 4: Bệnh nhân nguy kịch, suy hô hấp nặng, loạn nhịp tim, hôn mê.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân không ăn cá nóc khô, tươi; Không chế biến, không bán, không sử dụng các sản phẩm từ cá nóc như: chả, bột cá nóc.

Người dân nên loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới bất kì hình thức nào, khi xuất hiện triệu chứng ngộ độc như trên cần phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Đồng thời khi có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc cá nóc (tê môi, lưỡi, bàn tay) bệnh nhân cần uống ngay thuốc giải độc (than hoạt tính và sorbitol) và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, cấp cứu kịp thời.